Tổng thống Trump cảnh báo đánh thuế tới 200% với dược phẩm nhập khẩu
Ngày 8/7/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo khả năng đánh thuế tới 200% đối với mặt hàng dược phẩm sản xuất ở nước ngoài. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cho biết sẽ dành từ 1 năm đến 18 tháng để các doanh nghiệp dược điều chỉnh chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất về Mỹ trước khi chính thức áp thuế.
Được biết, vào giữa tháng 4/2025, Chính quyền Trump đã mở một cuộc điều tra về nhập khẩu dược phẩm, mở đường để áp thuế dựa trên lý do an ninh quốc gia. Tổng thống Trump lập luận rằng Mỹ cần tăng cường sản xuất thuốc trong nước để không phải phụ thuộc nguồn cung dược phẩm từ các quốc gia khác.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo khả năng đánh thuế tới 200% đối với mặt hàng dược phẩm sản xuất ở nước ngoài (Ảnh minh họa) |
Tuy vậy, các hãng dược cảnh báo biện pháp này có thể dẫn đến thiếu thuốc và làm tăng chi phí điều trị cho người dân. Các công ty dược cho rằng họ sở hữu mạng lưới sản xuất toàn cầu và việc đưa thêm hoạt động sản xuất về Mỹ sẽ đòi hỏi cam kết nguồn lực lớn, có thể sẽ mất nhiều năm để hoàn thành.
Mỹ không phải là quốc gia xuất khẩu chủ lực, ngành dược Việt Nam không bị ảnh hưởng trực tiếp
Năm 2023, theo cơ sở dữ liệu COMTRADE của Liên Hiệp Quốc (qua TradingEconomics), kim ngạch xuất khẩu “Pharmaceutical products” (thuốc và dược phẩm) từ Việt Nam sang Mỹ đạt 7,76 triệu USD. Đây là một con số rất khiêm tốn so với tổng kim ngạch xuất khẩu dược phẩm của Việt Nam.
Cụ thể, năm 2024, theo Báo cáo ngành Dược phẩm Việt Nam của GMP (thống kê sơ bộ đến hết năm), tổng kim ngạch xuất khẩu dược phẩm đạt khoảng 280 triệu USD.
![]() |
Xuất khẩu sang Mỹ chiếm rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu dược phẩm của Việt Nam (Nguồn: TradingEconomics) |
Theo CTCP Dược phẩm OPC (HoSE: OPC), Việt Nam chưa phải là quốc gia xuất khẩu dược phẩm chủ lực sang Mỹ nên không ảnh hưởng trực tiếp từ các chính sách thuế mới. Tuy nhiên, ngành dược vẫn chịu tác động gián tiếp thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Chi phí nguyên liệu đầu vào, thiết bị y tế và các yếu tố logistics đều có thể biến động mạnh dưới tác động từ chính sách thương mại Mỹ – Trung, khiến giá thành sản xuất bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, nếu kinh tế toàn cầu bị siết chặt bởi thuế quan, sức mua giảm sút cũng sẽ gây sức ép lên nhu cầu tiêu dùng dược phẩm”, đại diện OPC chia sẻ.
Tuy nhiên, đây cũng là khoảng trống cơ hội. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể có cơ hội thay thế doanh nghiệp nước khác trong chuỗi cung ứng.
Riêng về OPC, sản phẩm của công ty chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu sang các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Myanmar... và trong nhiều năm qua, OPC luôn duy trì lượng dự trữ hợp lý, nên trong ngắn hạn chưa chịu ảnh hưởng đáng kể từ chính sách thuế mới.
Hơn nữa, OPC còn có thể tận dụng được lợi thế khi đã chủ động xây dựng vùng trồng dược liệu chuẩn GACP-WHO, giúp nội địa hóa nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tránh rủi ro về giá cả hay thuế quan.
Đồng quan điểm, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 diễn ra ngày 24/4, lãnh đạo Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) – doanh nghiệp dược lớn nhất Việt Nam cho biết, dù thị trường toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm, quy mô thị trường dược phẩm vẫn đủ lớn để công ty tiếp tục mở rộng cơ hội kinh doanh.
Về ảnh hưởng của thuế nhập khẩu đối ứng của Mỹ và khủng hoảng thương mại toàn cầu, lãnh đạo Dược Hậu Giang cho biết công ty không xuất khẩu sản phẩm, nhập khẩu nguyên liệu thô từ thị trường Mỹ nên mức độ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh là không đáng kể.