Biên lãi thuần (NIM) đang trở thành chỉ dấu phản ánh rõ rệt nhất bản lĩnh vận hành của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất duy trì thấp kéo dài và cạnh tranh huy động ngày càng khốc liệt.

Quý I/2025, NIM trung bình các ngân hàng niêm yết giảm xuống 0,73% so với 0,80% cùng kỳ năm trước, cho thấy xu hướng thu hẹp biên lợi nhuận. Tuy vậy, theo MBS, đây là xu hướng chung toàn ngành do các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm đạt được mức tăng trưởng tín dụng kế hoạch mới (17-18%).

HDBank khẳng định vị thế nhóm dẫn đầu

Dựa trên dữ liệu từ Wichart, VPBank đang giữ vị thế Top 1 bảng xếp hạng NIM với mức 1,44%. Trong khi đó, HDBank tạo được ấn tượng mạnh mẽ hơn khi duy trì NIM ở mức cao 1,14%, đồng thời đạt ROE cao nhất toàn ngành (25,99%), cùng với đó là tăng trưởng lợi nhuận dẫn đầu trong nhóm Big 4 ngân hàng tư nhân (+33%).

Top 10 ngân hàng NIM cao nhất quý I/2025: HDBank nổi bật với hiệu suất toàn diện
Thống kê Top 10 tổ chức tín dụng có NIM cao nhất HoSE tại quý I/2025

HDBank tập trung tăng trưởng tín dụng bền vững, chọn chiến lược tập trung vào khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), mở rộng thị phần tài chính tiêu dùng qua HDSaison, và đặc biệt hướng dòng vốn về đô thị loại 2, khu vực nông thôn.

Ngoài HDBank, nhiều ngân hàng cũng duy trì được NIM ổn định trong quý I/2025. MB đạt 1,05% nhờ danh mục tài sản thiên về bán lẻ và sự chủ động tái cấu trúc tín dụng. KienlongBank, Sacombank, Techcombank, TPBank, NamABank, MSB và OCB lần lượt nằm trong Top 10. Nhìn chung, nhóm NIM cao đều tập trung vào tín dụng bán lẻ, kiểm soát tốt chi phí vốn và liên tục tối ưu cấu trúc tài sản.

Các ngân hàng quốc doanh với lợi thế vốn và mạng lưới rộng, định hướng hoạt động ổn định và hỗ trợ thị trường. Dù NIM thường thấp hơn trung bình ngành do danh mục tín dụng tập trung vào doanh nghiệp lớn và dự án ưu tiên – lĩnh vực then chốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện chính sách vĩ mô. Đặc thù này giúp khối quốc doanh giữ vai trò trụ cột hệ thống, cân bằng giữa hiệu quả tài chính và nhiệm vụ điều tiết dài hạn.

Ngoài khối ngân hàng thương mại, EVNFinance nổi bật trong quý I/2025 với NIM đạt 0,78%, xếp thứ 10 toàn ngành tài chính – ngân hàng. Là tổ chức tài chính tổng hợp duy nhất niêm yết trên HoSE, EVNFinance hoạt động theo mô hình lai giữa ngân hàng và tài chính tiêu dùng, tạo ra nhiều danh mục sản phẩm, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.

NIM - Yếu tố ‘vàng’ vững định giá cổ phiếu

Trong lĩnh vực ngân hàng, NIM là chỉ số then chốt phản ánh hiệu quả kinh doanh cốt lõi và khả năng tạo dòng tiền từ hoạt động tín dụng. Bên cạnh đó, NIM còn là nền tảng củng cố khả năng chia cổ tức đều đặn và duy trì sức hấp dẫn cổ phiếu trên thị trường vốn.

HDBank là một ví dụ điển hình cho mối liên hệ trực tiếp giữa NIM ổn định và định giá cổ phiếu bền vững. Với NIM quý I/2025 đạt 1,14%, HDBank ghi nhận 5.355 tỷ đồng LNTT, tăng trưởng 33%.

Tại ĐHCĐ 2025, HDBank trở thành tâm điểm của giới đầu tư khi thành lập HD Financial Group bằng cách hợp nhất: Vikki Digital Bank, HD SAISON, HD Securities, HD Insurance, HD Capital và Đông Á Money Transfer.

Trong năm 2024, cổ phiếu HDB tăng giá 58%, thuộc nhóm tăng mạnh nhất toàn ngành ngân hàng và VN30. HDBank nằm trong số ít ngân hàng chia cổ tức cao hàng đầu hệ thống (30%) và liên tiếp nhiều năm .

Sức hấp dẫn nội tại của HDBank còn thể hiện rõ qua số lượng cổ đông. Tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 24/4/2025, ngân hàng công bố đang có gần 29.000 cổ đông, tăng 55% chỉ trong vòng 12 tháng so với con số hơn 18.400 người hồi tháng 3/2024.

Nhìn sang các ngân hàng khác, bức tranh cũng cho thấy mối liên hệ tương đồng giữa NIM và chính sách cổ tức, sức hút nhà đầu tư. Năm 2024, ACB chia cổ tức tổng cộng 25% (10% tiền mặt và 15% cổ phiếu), MB chia 20%, VIB công bố kế hoạch 18%. Về giá cổ phiếu, nhóm ngân hàng có NIM cao như MB, TCB hay SHB cũng là nhóm ghi nhận mức tăng giá cao trong 12 tháng qua.