Thông tin tại buổi họp báo cung cấp thông tin kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 8/5, ông Phạm Tấn Lộc, Phó Trưởng phòng Đăng ký, Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường), cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng đã xử lý được 63.821 trên tổng số 81.085 hồ sơ, tương đương 78,7%. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ còn lại vẫn đang “tắc” do nhiều nguyên nhân phức tạp.
“Các hồ sơ chưa được giải quyết chủ yếu rơi vào các dự án đang trong quá trình thanh tra, điều tra hoặc đang xác định lại nghĩa vụ tài chính bổ sung sau khi có điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch,” ông Lộc cho biết.
Qua rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xác định 6 nhóm nguyên nhân gây vướng mắc, gồm: nhóm chờ thực hiện nghĩa vụ thuế; nhóm dự án chậm nộp hồ sơ cấp sổ; nhóm dự án bất động sản mới; nhóm phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung; nhóm có vướng mắc pháp lý khác; và nhóm đang trong diện thanh tra, điều tra.
![]() |
Vướng mắc lớn hiện nay là việc một dự án có thể bị áp dụng hai thời điểm xác định giá đất khác nhau, gây khó khăn trong cấp sổ. TP.HCM đang kiến nghị Thủ tướng hướng giải quyết. |
Một trong những vướng mắc lớn liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội. Ông Lộc nêu rõ, đối với các dự án được giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất trước khi Nghị định số 49/2021/NĐ-CP và Nghị định 100/2024/NĐ-CP có hiệu lực, nếu chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ bằng tiền (tương đương 20% quỹ đất nhà ở xã hội), thì giá đất được xác định tại thời điểm Nhà nước giao đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Tuy nhiên, còn một số trường hợp, chủ đầu tư chưa nộp nghĩa vụ tài chính này khiến thời điểm xác định giá đất lại rơi vào lúc hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến chênh lệch đáng kể và phát sinh tranh cãi pháp lý.
“Hiện nay, có sự xung đột giữa các quy định trong Nghị định và Luật Đất đai về thời điểm xác định giá đất, khiến cùng một dự án có thể áp dụng hai mốc thời gian khác nhau. Điều này gây khó khăn trong thẩm định nghĩa vụ tài chính và cấp giấy chứng nhận,” ông Lộc nhấn mạnh.
Cụ thể, nếu áp dụng theo Khoản 3 Điều 2 Nghị định 49/2021/NĐ-CP và Khoản 4 Điều 78 Nghị định 100/2024/NĐ-CP, thì thời điểm tính giá đất là sau khi hoàn thành hạ tầng. Trong khi đó, theo Khoản 3 Điều 108 Luật Đất đai 2013 và Khoản 3 Điều 155 Luật Đất đai 2024, thời điểm này lại là khi Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng.
Để tháo gỡ vướng mắc này, Sở Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Nhân dân TP.HCM, kiến nghị xin ý kiến chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ nhằm thống nhất cách xử lý.
“Chúng tôi rất chia sẻ với người dân khi chậm được cấp sổ hồng, nhưng với các vướng mắc pháp lý hiện tại, cần có hướng dẫn cụ thể từ Trung ương để đảm bảo đúng quy định và quyền lợi cho các bên,” ông Lộc nói, và cho rằng, việc xử lý dứt điểm các tồn đọng hồ sơ sổ hồng sẽ không chỉ giúp bảo đảm quyền lợi cho hàng vạn người dân, mà còn tạo cú hích cho thị trường bất động sản phục hồi sau thời gian dài trầm lắng do các vướng mắc pháp lý kéo dài.