Theo số liệu công bố đến hết ngày 29/12/2023, đã có 55 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 12 với tổng giá trị hơn 42.805 tỷ đồng.

Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tháng 12 phát hành tăng trưởng đột biến ở tất cả các ngành nghề. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày công bố thông tin 29/12/2023, đã có 55 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 12 với tổng giá trị hơn 42.805 tỷ đồng (tương đương hơn 1,7 tỷ USD).

Con số này so với tháng cùng kỳ năm ngoái, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tăng gần 2.428%. Theo đó, tháng 12/2022, chỉ có 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị thu được 1.700 tỷ đồng.

Mới đây, tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 12/2023 diễn ra chiều 5/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá, năm 2023 đã có nhiều điểm sáng trên thị trường trái phiếu.

Trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 tăng trưởng đột biến
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Thứ nhất, Nghị định 08 được Chính phủ ban hành có tác dụng rất lớn đến TTTP, khi quy định về việc ngưng hiệu lực một số quy định của Nghị định 65, cũng như cho phép các DN đàm phán với các nhà đầu tư để xử lý trái phiếu đến hạn, đảm bảo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi do chia sẻ”.

Điểm sáng thứ hai là về tổ chức thị trường, tháng 7/2023, Bộ Tài chính đã chính thức đưa thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tập trung vào vận hành. Đến hết 31/12, tổng giá trị giao dịch trên thị trường trái phiếu có tổ chức là 218.000 tỷ đồng, với giá trị giao dịch bình quân phiên tương ứng là 1.880 tỷ đồng/một phiên.

Hiện nay, có trên 887 mã trái phiếu của 249 tổ chức đăng ký trái phiếu đã được đăng ký và giao dịch trên thị trường tập trung này. Với thị trường tổ chức theo kiểu tập trung, đã góp phần cải thiện tính minh bạch cũng như tăng tính thanh khoản cho trái phiếu doanh nghiệp.