Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 với khoản lỗ trước thuế gần 25 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lỗ hơn 995 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lỗ sau thuế cũng giảm còn 113 tỷ đồng, trong khi con số này năm 2023 là 268 tỷ đồng. Dù vẫn là kết quả âm, nhưng mức độ thua lỗ đã được rút ngắn đáng kể.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp theo đó âm hơn 77 tỷ đồng, trái ngược với mức dương 413 tỷ đồng hồi cuối quý II/2023.
![]() |
Trung Nam Group của ông Nguyễn Tâm Thịnh lỗ hơn trăm tỷ trong 6 tháng đầu năm 2024. |
Năm 2023, Trung Nam ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên đến 2.878 tỷ đồng, tương đương bình quân mỗi ngày lỗ gần 8 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, doanh nghiệp từng ghi nhận lợi nhuận sau thuế 2.105 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ khi công bố thông tin. Tuy nhiên, sang năm 2022, lợi nhuận lao dốc xuống chỉ còn 252 tỷ đồng, giảm hơn 8 lần.
Tại cuối quý II/2024, vốn chủ sở hữu Trung Nam vẫn giữ ổn định ở mức 20.940 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của đạt khoảng 63.500 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngân hàng chiếm hơn 23.500 tỷ đồng, duy trì ngang bằng so với cùng kỳ. Nợ vay từ trái phiếu giảm mạnh từ 25.700 tỷ đồng xuống 20.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến thời điểm hiện tại (tháng 5/2025), công ty đã hoàn thanh toán toàn bộ các khoản nợ trái phiếu.
Trung Nam Group là tập đoàn hoạt động đa ngành, gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, bất động sản công nghiệp và đô thị, du lịch, và sản xuất bo mạch điện tử. Trong đó, năng lượng là lĩnh vực chủ lực với nhiều nhà máy thủy điện và dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn. Tính đến cuối tháng 10/2021, Trung Nam đã đóng góp 1,63GW vào hệ thống điện quốc gia, dẫn đầu khối tư nhân trong ngành điện.
Ngoài lĩnh vực năng lượng, Trung Nam cũng đang tích cực tham gia các dự án hạ tầng lớn. Tháng 2/2025, ông Nguyễn Tâm Thịnh – Chủ tịch HĐQT Trung Nam Group - đã có văn bản gửi UBND TP. HCM đề xuất đầu tư hai cây cầu chiến lược: cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4, với tổng vốn đầu tư dự kiến 17.000 tỷ đồng.
Theo đề xuất, các dự án sẽ được triển khai theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Trung Nam cam kết huy động nguồn lực tối ưu để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, đồng thời nộp hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi ngay sau khi được chấp thuận chủ trương.
Doanh nghiệp cho rằng việc đầu tư theo hình thức BT sẽ giúp TP.HCM huy động hiệu quả vốn tư nhân cho hạ tầng giao thông trọng điểm, giảm áp lực lên ngân sách Nhà nước và đẩy nhanh tiến trình phát triển đô thị.