Wu Huazhan là người đồng sở hữu Foshan Top Winning, đơn vị sản xuất tivi đến từ Quảng Đông, Trung Quốc. Ông cho biết công ty đã từng đặt ra những yêu cầu tối thiểu cho các đơn đặt hàng để quản lý sản xuất một cách hiệu quả. Tuy nhiên, với tình hình kinh doanh ảm đảm hiện nay, họ đã chấp nhận bất kỳ đơn hàng nào.

Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận của công ty này đã giảm xuống mức 0,5% từ mức 2% cách đây 3-4 năm. “Chúng tôi đang bán các mặt hàng gia dụng điện tử rẻ như bắp cải. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thêm 1-2 năm nữa, chúng tôi sẽ phải chuyển hướng kinh doanh”, Wu Huazhan nói khi đang tham dự tại Hội chợ Canton Fair, diễn ra từ 15 đến 19/4 ở Quảng Châu.

Trung Quốc gây choáng váng khi bán hàng điện tử bán rẻ như rau, doanh nghiệp khốn đốn vì không có khách
Người dân tham quan gian hàng tại Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Canton Fair)

Tâm trạng u ám của nhiều nhà xuất khẩu tại Canton Fair hầu như không hề khá khẩm hơn dù Bắc Kinh đã công bố dữ liệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng nhanh hơn dự kiến với mức ​​5,3% trong quý I/2024. Tuy nhiên xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 tính theo USD cũng đã giảm mạnh mặc dù khối lượng tăng trưởng. Trong khi đó, chỉ số giá nhà sản xuất của Trung Quốc cũng đã giảm liên tục trong 18 tháng qua, làm giảm kỳ vọng rằng nền kinh tế đang bước vào lộ trình tăng trưởng bền vững sau đại dịch Covid-19.

Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều biến động kinh tế cũng như về địa chính trị, đặc biệt là sự trì trệ của thương mại toàn cầu do tác động ngày càng rõ rệt - ảnh hưởng từ xung đột ở Ukraine và Trung Đông. Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn do dư thừa năng lực.

Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu đáng khích lệ. Theo Reuters, các nhà tổ chức Hội chợ Canton Fair cho biết số lượng người mua nước ngoài tham dự hội chợ trong 2 ngày 15 và 16/4 tăng khoảng 20% so với hai ngày đầu tiên của sự kiện này vào tháng 10 năm ngoái.

Nhưng một số nhà xuất khẩu cũng than vãn rằng, hoạt động kinh doanh vẫn trầm lắng hơn.

Lois Zhang, giám đốc bán hàng của Enping City Shuangyi Electronics Industrial, nhà sản xuất loa và micro cho hay: “Vào ngày đầu tiên của Canton Fair hồi tháng 10 năm ngoái, tôi nhận được hơn 10 yêu cầu tìm hiểu về thông tin giá cả, nhưng hôm nay tôi chỉ nhận được 3 danh thiếp của khách hàng tiềm năng”.

Trung Quốc gây choáng váng khi bán hàng điện tử bán rẻ như rau, doanh nghiệp khốn đốn vì không có khách
Số lượng người mua nước ngoài tham dự hội chợ trong 2 ngày 15 và 16/4 tăng khoảng 20% so với hai ngày đầu tiên của sự kiện này vào tháng 10 năm ngoái

Fan, quản lý của một công ty sản xuất máy sưởi ngoài trời, có trụ sở tại tỉnh Giang Tô cho biết, ông đang không đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, nơi tập trung hầu hết khách hàng của công ty. “Một trong những đơn hàng từ một khách hàng lớn của chúng tôi trong năm nay đã giảm 25% so với năm ngoái. Trong khi đó, những khách hàng khác vẫn chưa quyết định có tiếp tục đặt hàng hay không”, Fan nói.

Một số căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu đang ngày một tăng lên. Ông Donald Trump - ứng cử viên tổng thống Mỹ sắp tới từng phát biểu rằng sẽ đánh thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới. Mặt khác, Pan Feng, giám đốc bán hàng của Jiangmen Jinhuan Electrical, một nhà sản xuất máy sấy quần áo bày tỏ rằng dù ông Biden hay ông Trump đắc cử thì đều khiến họ cảm thấy không mấy “an lòng”.

Tuy nhiên, một số nhà sản xuất công nghệ cao tại hội chợ Canton Fair lại tỏ ra lạc quan hơn. Xiao Yanmei, Tổng Gám đốc của Công ty Guangdong Doni Intelligent Robot Engineering cho biết, hoạt động kinh doanh của công ty đã tăng trưởng khoảng 10-20% trong quý đầu tiên.

Bà ghi nhận sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ dành cho lĩnh vực sản xuất tiên tiến, bao gồm giảm thuế và cung cấp vốn để nâng cấp thiết bị. “Khi đất nước chúng tôi tập trung sức mạnh quốc gia để phát triển một ngành công nghiệp, các động lực tăng trưởng có thể rất hùng mạnh”, bà nói.