Với nhiều tiềm năng, lợi thế và sự đầu tư mạnh mẽ về hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, những năm qua, hình hài của tỉnh Phú Thọ đang dần trở thành một trung tâm công nghiệp mới ở nơi cửa ngõ của vùng Tây Bắc.

Phú Thọ nằm ở vị trí cầu nối các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; có 3 tuyến sông lớn chảy qua là sông Đà, sông Hồng và sông Lô.

Cùng với đó, Phú Thọ có nhiều tuyến giao thông quan trọng của quốc gia đi qua như đường Hồ Chí Minh, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Quốc lộ 2... thuận lợi cả về giao thông đường thủy lẫn đường bộ.

Vì vậy, từ những năm 60 của thế kỷ trước, Phú Thọ sớm đã có nền công nghiệp được đầu tư quy mô tập trung. Thế nhưng, khoảng 10 năm trở lại đây, với sự trỗi dậy của các địa phương trong khu vực về công nghiệp như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc... Phú Thọ phần nào đó "hụt hơi", không còn giữ được vị thế như trước, mặc dù vẫn còn một số ngành sản xuất công nghiệp có thế mạnh hàng đầu như: Phân bón, giấy, hóa chất...

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh là khâu đột phá phát triển. Cùng với đó, Phú Thọ sẽ tăng cường huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng, chiến lược cũng như khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN)...

Đến năm 2030, toàn tỉnh Phú Thọ có 22 đô thị các loại

Thành phố Việt Trì, Phú Thọ

Xác định hệ thống giao thông có vai trò đi trước một bước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hơn nửa nhiệm kỳ qua, Phú Thọ đã đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng xây dựng, mở rộng các tuyến giao thông quan trọng, đến nay đã chuẩn bị được đưa vào khai thác sử dụng.

Tiêu biểu là các dự án: Đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với QL.70B, QL.32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái (hơn 2.000 tỷ đồng); Đường nối từ đường Hồ Chí Minh đến ĐT.320C (hơn 400 tỷ đồng); Đường nối từ QL.32 đi ĐT.316, kết nối KCN Trung Hà và KCN Tam Nông (hơn 360 tỷ đồng)...

Cùng với đó, Phú Thọ đã phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô, phối hợp với tỉnh Tuyên Quang xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ... là các công trình có tính liên kết vùng cao, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông hiện đại.

Để khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống hạ tầng giao thông, Phú Thọ đã đầu tư xây dựng, mở rộng các KCN, CCN lớn như: KCN Phú Hà, KCN Cẩm Khê, CCN Vạn Xuân... Thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn lên tới hàng tỉ USD (riêng KCN Phú Hà hơn 800 triệu USD). Cùng với đó, tạo việc làm cho hàng chục vạn người lao động trong và ngoài tỉnh.

Theo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định phê duyệt cuối năm 2023, đến năm 2030, Phú Thọ sẽ phát triển 12 KCN với tổng diện tích khoảng 5.095ha, bao gồm các KCN: Thụy Vân, Trung Hà, Phú Hà, Cẩm Khê, Tam Nông, Hạ Hòa, Phù Ninh, Thanh Ba, Bắc Sơn, Đồng Lương, Đoan Hùng, Võ Miếu.

Đường lớn đã mở, hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại của Phú Thọ được khơi thông sẽ giúp tạo lập được cơ cấu vận tải hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời tạo động lực thu hút đầu tư về hệ thống các KCN, CCN hiện hữu và cả trong tương lai, biến Phú Thọ trở thành thủ phủ công nghiệp mới ở nơi cửa ngõ vùng Tây Bắc Bộ.