Sáng 17/5, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Đây được xem là một bước đi quan trọng nhằm tháo gỡ rào cản pháp lý, tạo đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân – động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Một trong những nội dung đáng chú ý là việc chấm dứt áp dụng phương pháp thuế khoán đối với hộ và cá nhân kinh doanh kể từ ngày 1/1/2026. Thay vào đó, các đối tượng này sẽ nộp thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Nhà nước cũng sẽ cung cấp miễn phí nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ.
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Các gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước có giá trị dưới 20 tỷ đồng cũng sẽ ưu tiên đấu thầu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ, thanh niên, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật làm chủ, cũng như doanh nghiệp tại khu vực miền núi, hải đảo.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: VGP) |
Để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Nghị quyết quy định:
Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm, giảm 50% số thuế trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Miễn thuế TNCN, thuế TNDN đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền mua cổ phần tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Miễn thuế TNCN trong 2 năm, giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo cho tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Các doanh nghiệp được phép trích tối đa 20% thu nhập tính thuế để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, đồng thời được tính 200% chi phí R&D vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Nghị quyết cũng hướng tới việc hình thành các doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân có tầm vóc khu vực và toàn cầu thông qua chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, đi đầu trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Đồng thời, Nhà nước sẽ bố trí ngân sách triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030, cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị, kế toán, thuế, nhân sự cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.
Nghị quyết yêu cầu chậm nhất đến 31/12/2025, Chính phủ phải hoàn thành việc rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, loại bỏ các quy định chồng chéo, không phù hợp, gây cản trở cho doanh nghiệp.
Đồng thời, phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ pháp luật và 30% điều kiện kinh doanh, tiếp tục cắt giảm trong các năm tiếp theo.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay sau khi được thông qua. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa Nghị quyết này và các luật, nghị quyết khác của Quốc hội, quy định tại Nghị quyết này sẽ được ưu tiên áp dụng. Nếu văn bản khác có chính sách ưu đãi hơn, sẽ thực hiện theo văn bản đó.