Aspergillus flavus, loài nấm từng gắn với huyền thoại "lời nguyền Pharaoh", bất ngờ được phát hiện sở hữu khả năng tiêu diệt tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư bạch cầu. Công bố từ nhóm nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania (UPenn), Mỹ, đang tạo ra làn sóng phấn khích trong giới khoa học toàn cầu.
Loài nấm này vốn sinh trưởng phổ biến trong môi trường đất, ngũ cốc, cỏ khô và thảm thực vật mục nát. Dù thường gây các vấn đề hô hấp khi hít phải bào tử, đặc biệt ở người có hệ miễn dịch yếu, Aspergillus flavus vẫn chưa từng được biết đến như một nguồn dược liệu tiềm năng cho đến khi nhóm nghiên cứu do giáo sư Sherry Gao dẫn đầu phát hiện nhóm phân tử RiPPs, viết tắt của peptide tổng hợp ribosome và sửa đổi sau dịch mã.
![]() |
Aspergillus flavus, loài nấm từng gắn với huyền thoại "lời nguyền Pharaoh", bất ngờ được phát hiện sở hữu khả năng tiêu diệt tế bào ung thư |
Từ nhóm phân tử này, các nhà khoa học đã tinh chế được bốn hợp chất và đặt tên là "asperigimycin". Trong đó, hai phân tử cho thấy khả năng ngăn chặn quá trình tăng sinh của tế bào ung thư bạch cầu mà không ảnh hưởng đến các dòng tế bào ung thư khác như gan, vú hay phổi.
"Những phân tử này có thể can thiệp vào quá trình hình thành vi ống, bộ khung tế bào đóng vai trò then chốt trong sự phân chia của tế bào ung thư", giáo sư Gao cho biết.
Một điểm đáng chú ý khác là hiệu quả của asperigimycin có liên quan đến một gen đặc biệt có tên SLC46A3, được ví như "cánh cổng sinh học" giúp phân tử xâm nhập vào tế bào ung thư. Phát hiện này không chỉ mở ra hướng điều trị mới mà còn đặt nền móng cho việc phát triển thuốc cá nhân hóa, nhắm đúng đích từng loại ung thư khác nhau.
Điều đặc biệt là trong khi hàng ngàn peptide RiPP đã được phát hiện ở vi khuẩn, sự xuất hiện của chúng trong nấm lại cực kỳ hiếm. Việc tìm thấy asperigimycin trong Aspergillus flavus không chỉ mang tính đột phá mà còn mở ra một hướng đi mới cho sinh học phân tử và y học tái tạo.
Dù hành trình từ phòng thí nghiệm đến giường bệnh còn nhiều thách thức, nhóm nghiên cứu đã lên kế hoạch thử nghiệm asperigimycin trên động vật và nếu thành công, sẽ tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người.
"Chúng tôi chỉ mới lật mở một trang nhỏ trong cuốn sách thuốc khổng lồ mà thiên nhiên ban tặng", nghiên cứu sinh Qiuyue Nie chia sẻ.
Từ một sinh vật từng bị coi là "hung thần cổ đại", Aspergillus flavus đang dần lột xác để trở thành một đồng minh tiềm năng trong cuộc chiến chống ung thư, góp phần khẳng định rằng thiên nhiên vẫn là kho báu vô giá cho y học hiện đại.