Cuối tuần qua tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã tổ chức RoBoLeague 2025, giải bóng đá đầu tiên trên thế giới dành cho robot hình người vận hành hoàn toàn bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Sự kiện quy tụ bốn đội đến từ các trường đại học hàng đầu như Đại học Thanh Hoa, Đại học Nông nghiệp Trung Quốc và Đại học Khoa học và Công nghệ Thông tin Bắc Kinh.

Mỗi đội gồm ba robot thi đấu trong hai hiệp, mỗi hiệp kéo dài 10 phút. Không giống các trận quyền Anh trước đó có sự điều khiển của con người, những robot tại RoBoLeague hoạt động hoàn toàn tự động, từ khả năng giữ thăng bằng, đánh giá tình huống đến ra quyết định chiến thuật.

Không còn là viễn tưởng, trận bóng đá robot tại Trung Quốc khiến thế giới sửng sốt
Những robot tại RoBoLeague hoạt động hoàn toàn tự động, từ khả năng giữ thăng bằng, đánh giá tình huống đến ra quyết định chiến thuật.

Nhờ được trang bị cảm biến hình ảnh hiện đại, các robot có thể phát hiện bóng từ khoảng cách hơn 18 mét với độ chính xác lên đến 90 phần trăm. Dù còn hạn chế về sự linh hoạt, chúng vẫn có khả năng quan sát đường biên, định vị đối thủ và xử lý tình huống thi đấu theo thời gian thực. Đáng chú ý, robot có thể tự đứng dậy sau khi ngã, dù đôi lúc vẫn cần nhân viên hỗ trợ khiêng ra khỏi sân bằng cáng, một chi tiết được truyền thông quốc tế nhận xét là tăng thêm tính chân thực cho trận đấu.

Sau mỗi bàn thắng, các robot sẽ giơ nắm tay ăn mừng, tạo nên khung cảnh sôi động, gây hứng thú cho người xem. Ở trận chung kết, đội THU Robotics của Đại học Thanh Hoa đã giành chiến thắng trước đội Mountain Sea của Đại học Nông nghiệp Trung Quốc với tỷ số 5-3 để đoạt chức vô địch.

Sự kiện không chỉ đem đến trải nghiệm thị giác độc đáo mà còn là minh chứng cho những bước tiến vượt bậc của công nghệ robot tự hành tại Trung Quốc. Trong cuộc đua làm chủ công nghệ tương lai, quốc gia này đang tăng tốc mạnh mẽ với tầm nhìn rõ ràng. Thị trường robot toàn cầu hiện được định giá khoảng 47 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm gần 40 phần trăm. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 23 phần trăm mỗi năm, lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ đạt giá trị hơn 100 tỷ USD vào năm 2028, trở thành một trong những trụ cột công nghệ chiến lược của thế giới.

Cheng Hao, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty Booster Robotics, cho biết thể thao là môi trường lý tưởng để thử nghiệm robot, từ đó đẩy nhanh quá trình hoàn thiện phần mềm và phần cứng. Ông tin rằng trong tương lai gần, robot có thể thi đấu cùng con người trong những trận bóng không đặt nặng yếu tố thắng thua nhưng chú trọng vào tương tác thực tế, từ đó xây dựng niềm tin nơi khán giả về tính an toàn của robot.

RoBoLeague 2025 cũng là màn khởi động cho Thế vận hội Người máy Thế giới sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 17 tháng 8 tại Bắc Kinh. Sự kiện dự kiến quy tụ hàng loạt robot tranh tài ở 11 bộ môn thể thao khác nhau như thể dục dụng cụ, điền kinh và bóng đá.