Một nghiên cứu mới từ tổ chức phi lợi nhuận METR (Model Evaluation & Threat Research) cho thấy: công cụ AI giúp viết mã có thể khiến lập trình viên làm việc chậm hơn, nhưng lại… tưởng mình nhanh hơn.

AI khiến lập trình viên ‘nghiện ảo giác’ năng suất mà không hề hay biết
Công cụ AI giúp viết mã có thể khiến lập trình viên làm việc chậm hơn, nhưng lại… tưởng mình nhanh hơn.

Cụ thể, nhóm lập trình viên tham gia thử nghiệm tin rằng AI giúp họ tăng tốc độ làm việc tới 24%, trong khi thực tế tiến độ giảm gần 19%. Ngay cả khi đã hoàn thành nhiệm vụ, phần lớn vẫn cho rằng họ hoàn tất nhanh hơn khoảng 20% nhờ AI. Các nhà nghiên cứu gọi hiện tượng này là “ảo giác năng suất”, tương tự kiểu “hallucination” mà chính AI cũng thường gặp khi tự tin tạo ra thông tin sai.

Nghiên cứu được tiến hành từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2025 với 16 lập trình viên dày dạn kinh nghiệm. Họ xử lý 246 tác vụ thực tế trên các dự án mã nguồn mở lớn, một nửa trong số đó có sử dụng công cụ AI như Cursor Pro kết hợp Claude 3.5 và 3.7. Mặc dù AI không cải thiện hiệu quả, người dùng vẫn đánh giá tích cực về trải nghiệm, dẫn đến sự lệch pha giữa cảm nhận và thực tế.

Có 5 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này: kỳ vọng quá mức vào AI, độ quen thuộc cao với mã nguồn khiến AI khó bổ sung giá trị, độ phức tạp của repository vượt quá khả năng hỗ trợ, tỉ lệ chấp nhận gợi ý thấp (dưới 44%), và AI không nắm được bối cảnh cụ thể của từng dự án. Ngoài ra, việc sử dụng AI cũng khiến cách làm việc thay đổi: thay vì tập trung viết code, lập trình viên phải dành thêm thời gian tạo prompt, kiểm tra phản hồi và chỉnh sửa gợi ý từ AI.

Phát hiện từ METR không đơn lẻ. Công ty Qodo, Intel và một số khảo sát kinh tế tại châu Âu cũng ghi nhận kết quả tương tự: AI hiện tại chưa thực sự giúp tăng năng suất, thậm chí đôi lúc còn gây chậm tiến độ do cần thời gian đánh giá lại đầu ra.

Dù vậy, các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh rằng kết quả không mang tính phủ định hoàn toàn vai trò của AI. Công cụ có thể phát huy hiệu quả trong các bối cảnh khác, khi dữ liệu không quá phức tạp hoặc người dùng chưa quá quen với mã nguồn. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn là lời nhắc quan trọng: AI không phải phép màu, và việc sử dụng nó đòi hỏi sự tỉnh táo để tránh rơi vào ảo giác hiệu suất.