Từ lâu, ngô là loại thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn của người Việt. Hạt ngô giàu tinh bột, chất xơ và vitamin, góp phần bổ sung năng lượng và dưỡng chất cho cơ thể. Tuy nhiên, không chỉ phần hạt mà râu ngô – bộ phận thường bị bỏ đi – lại đang dần khẳng định giá trị riêng khi được xem như vị thuốc dân gian quý giá.
![]() |
Râu ngô từ lâu đã được người dân sử dụng để nấu nước, nấu trà uống |
Từ thứ bỏ đi đến “nước uống quốc dân”
Khi ăn ngô, không ít người có thói quen bỏ phần vỏ và râu. Tuy nhiên, nhiều người đã bắt đầu giữ lại râu ngô để luộc lấy nước uống. Vị ngọt nhẹ, tính mát, dễ uống khiến nước râu ngô trở thành một trong những món giải nhiệt tự nhiên được ưa chuộng, đặc biệt vào mùa hè.
Râu ngô không chỉ được dùng trong dân gian mà còn xuất hiện trong y học cổ truyền tại nhiều quốc gia châu Á. Tại Trung Quốc, râu ngô được coi là “báu vật xanh” và được phơi khô làm thuốc.
Theo trang Health 2.0, râu ngô có vị ngọt, tính bình, không độc, thường dùng để lợi tiểu, tiêu phù, hỗ trợ điều trị các bệnh về gan, mật, sỏi túi mật, phù nề...
![]() |
Râu ngô được rao bán trên sàn thương mại điện tử - Ảnh chụp màn hình |
Giá tăng cao, râu ngô khô lên kệ thương mại điện tử
Không còn là phụ phẩm vứt đi, râu ngô nay được bày bán rộng rãi tại chợ truyền thống, cửa hàng thực phẩm, quầy hàng khô, và cả trên các sàn thương mại điện tử. Giá râu ngô khô hiện dao động từ 60.000 đến 180.000 đồng/kg, tùy loại, khu vực và chất lượng – cao hơn râu ngô tươi.
Các nghiên cứu hiện đại cũng ghi nhận râu ngô có thể đem đến một số lợi ích sức khỏe nhất định nếu sử dụng đúng cách như: Giảm mỡ máu, hạ huyết áp; Hỗ trợ kiểm soát đường huyết; Giảm viêm và lợi tiểu;...
Râu ngô có thể dùng tươi hoặc phơi khô để nấu nước uống hàng ngày. Tuy lành tính, nhưng để đảm bảo hiệu quả, người dùng nên sử dụng râu ngô sạch, không thuốc trừ sâu, không uống quá đặc và không dùng thay thế nước lọc hoàn toàn.