Ngày 18/5/2025, trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) - đơn vị vận hành hãng taxi điện Xanh SM đã có chia sẻ về phát triển hệ sinh thái logistics thông qua sản phẩm mới mang tên EC VAN.
Theo chia sẻ từ ông Thanh, trước đây các dòng xe của VinFast tập trung vào 2 trụ cột chính: xe máy điện - phổ cập phương tiện cá nhân; ô tô điện - phục vụ thị trường tiêu dùng và dịch vụ; cùng xe buýt điện - hướng đến giao thông công cộng. Tuy nhiên, có một phân khúc lớn và nhiều tiềm năng mà hãng gần như chưa khai thác, đó là logistics, đặc biệt là vận tải hàng hóa đô thị.
Sự xuất hiện của dòng minivan chạy điện EC VAN được xem là bước đi đầu tiên cho thấy VinFast tham gia sâu thị trường giao vận hàng hóa, đặc biệt là giao hàng chặng cuối (last-mile delivery) - một mắt xích then chốt trong chuỗi cung ứng hiện đại.
Không đơn thuần chỉ là “xe tải điện nhỏ”, EC VAN được thiết kế để vận hành linh hoạt trong nhiều tình huống logistics đô thị như: xe pickup giao hàng cho thương nhân và sàn thương mại điện tử; xe trung chuyển giữa các kho nội vùng; xe giao hàng khô cho chuỗi tiện lợi, F&B; xe luân chuyển giữa các bưu cục; hoặc thực hiện các đơn hàng giao cuối.
Với thiết kế thùng kín, động cơ điện vận hành êm ái, không phát thải và không bị hạn chế thời gian lưu thông trong nội đô, EC VAN kỳ vọng sẽ trở thành phương tiện lý tưởng cho các doanh nghiệp giao vận đô thị. Đặc biệt, mức giá chỉ khoảng 285 triệu đồng, cùng chi phí vận hành rẻ hơn 60 - 70% so với xe xăng, giúp mẫu xe này trở thành “món mới” đáng gờm trong phân khúc đang có sự góp mặt của các tên tuổi như Lalamove, Ahamove, GogoX...
![]() |
VinFast ra mắt mẫu xe mới, đánh dấu bước tiến tham gia vào thị trường giao vận hàng hóa |
Logistics xanh: Cơ hội mới của VinFast và Xanh SM
Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển bùng nổ, ngành logistics tại Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ. Theo báo cáo của SHS Research, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tăng trưởng bình quân 14 - 16%/năm, tương đương quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD. Ngày càng nhiều công ty logistics truyền thống đang chuyển mình thành các doanh nghiệp logistics thương mại điện tử nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường mới.
Theo Datex, trong chuỗi cung ứng, giao hàng chặng cuối đang nổi lên như một khâu then chốt, chiếm tới 28% tổng chi phí vận chuyển. Đây là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng và chất lượng dịch vụ.
Thị trường này ngày càng sôi động với sự tham gia của loạt tên tuổi lớn như GHN (Giao hàng nhanh), GHTK (Giao hàng tiết kiệm), J&T Express, BEST Express, Kerry Express, Viettel Post, VNPost, Nhất Tín Logistics, Ninja Van, Lalamove, Ahamove cùng nhiều doanh nghiệp nội và ngoại khác. Theo Allied Market Research, các doanh nghiệp nước ngoài với mô hình nhượng quyền chi phí thấp và nền tảng phần mềm vượt trội đang tạo ra áp lực cạnh tranh đáng kể với các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt về giá thành và tốc độ phục vụ.
Dù vậy, với quy mô thị trường chuyển phát nhanh và bưu kiện (CEP) của Việt Nam được dự báo đạt 2,53 tỷ USD vào năm 2030, thị trường vận tải hàng hóa chặng cuối vẫn là một “miếng bánh béo bở” cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh người tiêu dùng Việt ngày càng thích nghi với công nghệ và có xu hướng mua sắm trực tuyến, cơ hội đang mở ra cho những người đến sau như VinFast và Xanh SM.
Hiện tại, Xanh SM vẫn chưa chính thức triển khai dịch vụ giao hàng on-demand bằng xe van điện, nhưng đây sẽ là một phân khúc đầy tiềm năng để mở rộng hệ sinh thái "Xanh", từ di chuyển người sang luân chuyển hàng, từ taxi sang logistics. Việc ra mắt EC VAN không chỉ mang tính kỹ thuật đơn thuần, mà có thể là bước khởi đầu cho một chuỗi giá trị logistics xanh, nơi VinFast và Xanh SM hoàn toàn có thể cùng xây dựng và phát triển.