Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Dự thảo này đặt mục tiêu hoàn tất nhiều văn bản pháp lý và đề án quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý cho bước đi tiếp theo của dự án trọng điểm quốc gia.

Ảnh minh họa
Theo kế hoạch, hạn chót cho nhiều nhiệm vụ then chốt là ngày 30/6/2025. Trong đó, đáng chú ý là yêu cầu ban hành 3 Nghị định của Chính phủ, áp dụng cho các công trình trọng điểm và dự án quan trọng trong lĩnh vực đường sắt. Cụ thể, 3 Nghị định cần được ban hành gồm:
(1) Nghị định về tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp, quy định việc giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cho doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ, hàng hóa thuộc công nghiệp đường sắt.
(2) Nghị định hướng dẫn phát triển khoa học, công nghệ trong ngành đường sắt, nêu chi tiết các quy định về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ các dự án đường sắt.
(3) Nghị định hướng dẫn sử dụng tạm thời rừng để thi công công trình tạm, quy định điều kiện, trình tự và trách nhiệm hoàn trả rừng sau khi kết thúc thi công.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất Chính phủ ban hành Quyết định của Thủ tướng về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được phép đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước.
Song song với các văn bản pháp lý, kế hoạch triển khai còn bao gồm 2 chương trình hành động quy mô lớn của Chính phủ.
Chương trình phát triển công nghiệp đường sắt do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng. Chương trình tập trung rà soát thực trạng ngành công nghiệp đường sắt và phụ trợ, từ thiết kế, chế tạo, thi công đến sản xuất phương tiện, thiết bị và hệ thống tín hiệu; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để xây dựng lộ trình phát triển đến năm 2035, tầm nhìn 2045.
Chương trình phát triển nguồn nhân lực phục vụ đường sắt tốc độ cao do Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp thực hiện. Đề án sẽ xác định nhu cầu nhân lực cho các khâu từ quản lý, đầu tư, xây dựng đến vận hành, khai thác và bảo trì hệ thống; làm rõ về số lượng, chuyên ngành, trình độ đào tạo và nguồn lực thực hiện.
Các văn bản và chương trình trên được kỳ vọng sẽ đặt nền móng pháp lý, tổ chức và chiến lược, góp phần thúc đẩy triển khai hiệu quả dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia mang tầm vóc chiến lược trong phát triển bền vững đất nước.