CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland – mã chứng khoán NVL) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã kiểm toán, với nhiều thông tin tài chính đáng chú ý.
Novaland đang vay nợ 61.500 tỷ đồng
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng dư nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn của Novaland đạt hơn 61.500 tỷ đồng. Trong đó:
-
Nợ ngắn hạn: 36.978 tỷ đồng (tăng hơn 6.000 tỷ đồng so với đầu năm).
-
Nợ dài hạn: 24.587 tỷ đồng (giảm gần 2.200 tỷ đồng so với đầu năm).
Cơ cấu nợ cho thấy có hơn 37.300 tỷ đồng là vay qua trái phiếu, bao gồm 22.700 tỷ đồng là nợ trái phiếu ngắn hạn. Bên cạnh đó, Novaland cũng đang vay hơn 15.800 tỷ đồng từ ngân hàng và hơn 9.500 tỷ đồng từ bên thứ ba.
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, doanh nghiệp đã nhiều lần thông báo chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, đồng thời đang trong quá trình đàm phán với các trái chủ. Kiểm toán viên đã lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của Novaland do áp lực tài chính quá lớn.
![]() |
Nợ ngắn hạn gần 37.000 tỷ đồng gây áp lực lên khả năng xoay vòng vốn của Novaland |
Nợ 61.500 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi vay chỉ chưa đến 300 tỷ
Dù đang "gánh" khoản nợ khổng lồ, chi phí lãi vay năm 2024 của Novaland lại chỉ ở mức 291 tỷ đồng – con số được cho là quá thấp so với quy mô nợ hơn 61.500 tỷ đồng. Thậm chí, chi phí này còn giảm 36 tỷ đồng so với năm trước.
Vậy, nguyên nhân là gì?
![]() |
Chi phí tài chính năm 2024 của Novaland |
Câu trả lời nằm ở phần hàng tồn kho. Trong năm 2024, tổng giá trị hàng tồn kho của Novaland tăng thêm hơn 7.900 tỷ đồng, đạt mức 147.028 tỷ đồng. Tuy nhiên, đáng chú ý là Novaland đã vốn hóa tới 6.222 tỷ đồng chi phí lãi vay vào hàng tồn kho – gần tương đương mức tăng của tồn kho trong kỳ.
Cơ cấu tồn kho cụ thể như sau:
-
Bất động sản đã xây dựng xong: 8.511 tỷ đồng (giảm 727 tỷ đồng).
-
Bất động sản đang xây dựng: 138.407 tỷ đồng (tăng 8.675 tỷ đồng).
Novaland hiện đang sử dụng khoảng 77% giá trị hàng tồn kho để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay.
![]() |
Hàng tồn kho của Novaland |
Chi phí lãi vay "ẩn mình" trong hàng tồn kho
Vốn hóa chi phí lãi vay là nguyên nhân khiến chi phí tài chính ghi nhận trên báo cáo thấp hơn nhiều so với thực tế. Việc này phản ánh một thực tế đáng lo ngại: Nhiều dự án của Novaland bị kéo dài, chậm tiến độ khiến chi phí lãi vay tiếp tục tích lũy vào giá vốn, đẩy chi phí thực tế lên cao trong tương lai.
Nhìn lại, chi phí lãi vay được vốn hóa vào hàng tồn kho của Novaland qua các năm như sau:
-
Năm 2021: 4.179 tỷ đồng
-
Năm 2022: 6.106 tỷ đồng
-
Năm 2023: 6.363 tỷ đồng
-
Năm 2024: 6.222 tỷ đồng
Sự tăng trưởng của hàng tồn kho qua các năm phần lớn đến từ việc vốn hóa chi phí lãi vay, thay vì sự gia tăng thực chất về khối lượng tài sản phát triển.
Việc chi phí lãi vay "thấp bất thường" ẩn trong một thực tế là áp lực tài chính ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, các khoản hàng tồn kho chưa thể nhanh chóng chuyển hóa thành dòng tiền, thì khả năng xoay vòng vốn và thanh toán nợ của Novaland vẫn là dấu hỏi lớn.