Amazon đã xây dựng một đế chế xuất bản trị giá hàng chục tỷ USD, trong đó, sách in vẫn là "mỏ vàng" lớn nhất bất chấp những kỳ vọng ban đầu vào sách điện tử. Theo tài liệu nội bộ bị rò rỉ, trong 10 tháng đầu năm 2022, doanh thu từ danh mục sách của Amazon đạt 16,9 tỷ USD, bao gồm sách in, sách điện tử và sách nói. Riêng tại Mỹ, doanh thu từ sách đạt hơn 9,5 tỷ USD, với 456,5 triệu cuốn sách in và 419,8 triệu sách điện tử được tiêu thụ.

Khi Jeff Bezos thành lập Amazon vào năm 1994, ông không chỉ muốn xây dựng một nhà bán lẻ trực tuyến, mà còn ấp ủ giấc mơ thống trị ngành xuất bản. Ban đầu, Bezos chọn sách làm mặt hàng kinh doanh đầu tiên vì chúng có vòng đời dài, dễ bảo quản, và có danh mục phong phú để thu hút nhiều đối tượng khách hàng. Nhưng tham vọng của ông không dừng lại ở đó.

Với chiến lược giá thấp, kho hàng khổng lồ và dịch vụ giao hàng nhanh, Amazon nhanh chóng trở thành nhà bán sách lớn nhất thế giới. Hãng không chỉ cạnh tranh với các hiệu sách truyền thống mà còn thay đổi hoàn toàn cách mọi người tiếp cận việc mua và đọc sách. Kindle ra mắt vào năm 2007 với kỳ vọng sẽ thay thế sách giấy, nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại.

Sách in vẫn giữ 'ngôi vương'

Từ khi Kindle ra mắt, nhiều người tin rằng sách điện tử sẽ chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, số liệu nội bộ cho thấy doanh thu từ sách in tại Mỹ vẫn cao gấp ba lần sách điện tử, đạt 7,4 tỷ USD so với 2 tỷ USD trong năm 2022. Giá bán trung bình của sách in cũng cao hơn gấp ba lần.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon vẫn đang miệt mài đào 1 'mỏ vàng' kể từ ngày đầu tiên thành lập
65% người trưởng thành Mỹ vẫn ưa chuộng sách giấy. Ảnh minh họa

Khảo sát năm 2022 của Pew Research cho thấy 65% người trưởng thành Mỹ vẫn ưa chuộng sách giấy, trong khi chỉ 30% chọn sách điện tử. Mặc dù định dạng kỹ thuật số mang lại nhiều tiện ích, trải nghiệm vật lý khi cầm một cuốn sách vẫn chiếm vị trí độc tôn. Chính yếu tố này đã giúp sách in tiếp tục duy trì vị thế trên thị trường, bất chấp xu hướng số hóa ngày càng mạnh mẽ.

Chỉ riêng tháng 1/2022, Amazon thu về hơn 2 tỷ USD doanh thu sách toàn cầu, với mức dao động 1,5 - 1,8 tỷ USD mỗi tháng. Quy mô khổng lồ của Amazon đang khiến giới xuất bản lo ngại. FTC (Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ) đang điều tra về nguy cơ độc quyền của Amazon, trong khi Hiệp hội Nhà sách Mỹ cũng yêu cầu xem xét “sự ảnh hưởng áp đảo” của hãng trong ngành sách.

Amazon không chỉ bán sách, mà còn là một thế lực trong ngành xuất bản với nền tảng Kindle Direct Publishing (KDP), cho phép tác giả tự xuất bản sách mà không cần qua các nhà xuất bản truyền thống. Điều này giúp công ty kiểm soát cả nguồn cung và phân phối, củng cố vị thế thống trị trên thị trường.

Bất chấp các áp lực, Amazon vẫn khẳng định hoạt động trong một môi trường cạnh tranh, nơi các chuỗi hiệu sách và nhà bán lẻ vẫn tăng trưởng. Tuy nhiên, nhiều nhà xuất bản lo ngại rằng, với sức mạnh quá lớn, Amazon có thể định hình không chỉ cách sách được bán mà còn ảnh hưởng đến cả nội dung và thói quen đọc sách của người tiêu dùng.

Khi Amazon không chỉ bán sách, mà bán văn hóa tiêu dùng

Trong kỷ nguyên số, khi con người có thể “đọc bằng tai” hoặc “nghe bằng máy”, việc Amazon vẫn kiếm hàng tỷ USD từ sách in chứng tỏ rằng, dù hiện đại đến đâu, con người vẫn yêu thích cảm giác lật giở từng trang giấy. Trong thế giới đó, Amazon chính là kẻ gác cổng nắm giữ những chìa khóa quyền lực nhất.

Thành công của Amazon không chỉ đến từ việc bán sách, mà còn từ khả năng định hình thói quen tiêu dùng của hàng trăm triệu người trên thế giới. Với kho dữ liệu khổng lồ và thuật toán đề xuất thông minh, Amazon có thể định hướng người dùng mua gì, đọc gì và thậm chí là nghĩ gì về những cuốn sách họ tiêu thụ. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại về tác động của Amazon đối với sự đa dạng trong ngành xuất bản.

Từ một cửa hàng sách trực tuyến nhỏ bé năm 1994 đến một đế chế trị giá hàng trăm tỷ USD, Jeff Bezos đã chứng minh rằng sách không chỉ là sản phẩm thương mại mà còn là công cụ quyền lực giúp Amazon mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.