Trên thực tế, có không ít khách hàng như chị Thủy, đứng trước những lời chào mời nhiệt tình vì cả nể mà để ngân hàng cấp thẻ tín dụng mặc dù không có nhu cầu để rồi sau đó lại phải giải quyết hậu quả.

"Vì nể nhân viên ngân hàng, tôi 'tặc lưỡi' mở thẻ tín dụng, cứ tưởng kích hoạt thẻ mới phát sinh chi phí, ai ngờ không đơn giản như vậy...", chị Thủy chia sẻ và nói thêm, thực ra chị rất "nể" bạn nhân viên ngân hàng vì đã nhiệt tình mời nhiều lần. Nhưng cuối cùng, vì không có nhu cầu sử dụng và không muốn mất phí thường niên hàng năm nên chị quyết định hủy thẻ (mất phí).

Phí thường niên mà chị Thủy nhắc đến là khoản phí hay gặp nhất, chủ thẻ cần thanh toán để có thể duy trì thẻ được hoạt động bình thường mỗi năm. Tùy vào quy định của từng ngân hàng mà mức phí thường niên với từng loại thẻ sẽ khác nhau, thông thường dao động từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng/năm.

Số còn lại, với các ngân hàng thu phí thường niên, phí này sẽ được thu sau khi khách hàng kích hoạt thẻ. Kích hoạt thẻ tín dụng được hiểu là trạng thái khách hàng đã đăng ký mở thẻ tín dụng, nhận thẻ cứng về tay và thực hiện kích hoạt thẻ, đổi mã PIN qua Mobile Banking hoặc ATM.

Điều này làm nhiều khách hàng, giống như chị Thủy, mặc định khi chưa kích hoạt thẻ tín dụng sẽ không bị thu phí thường niên.

Tuy nhiên, điều này không hẳn đúng. Ở một vài nhà băng, phí thường niên có thể được tính ngay khi phát hành mà không cần thực hiện thao tác kích hoạt.

Chẳng hạn như tại Vietcombank, theo khảo sát của chúng tôi, thẻ tín dụng sẽ được tính phí thường niên ngay khi phát hành, không cần khách hàng kích hoạt. Đồng thời, ngay cả trong trường hợp thẻ VCB đang được yêu cầu tạm khóa vẫn phát sinh phí thường niên. Sau khi thẻ tín dụng được phát hành trên hệ thống, chỉ có cách duy nhất để chấm dứt phí thường niên là hủy thẻ (mất phí).

Những chiếc thẻ tín dụng được mở vì 'nể':  Khách hàng 'sa bẫy' lý thuyết không kích hoạt sẽ không mất gì!

Chính sách liên quan đến thẻ tín dụng của các ngân hàng rất đa dạng và có sự khác biệt tương đối. Vì vậy, các khách hàng cần tìm hiểu rõ chính sách của từng bên để có những tính toán phù hợp, tránh việc phải trả tiền phí “oan” khi không có nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng.

Tham khảo tại một số ngân hàng lớn, chính sách về thu phí của các nhà băng có sự khác biệt như sau:

Với thẻ tín dụng của Techcombank, khi khách hàng không kích hoạt, chủ thẻ sẽ không bị thu phí thường niên. Sau khoảng thời gian nhất định (45 ngày) không kích hoạt, ngân hàng sẽ tự hủy thẻ của khách. Trường hợp này, khách hàng không mất phí hủy thẻ.

Tương tự, ở ACB, khi khách hàng không kích hoạt thẻ tín dụng, sau 11 tháng hệ thống cũng sẽ tự hủy thẻ. Đồng thời, khi chưa kích hoạt, khách hàng cũng không bị mất phí thường niên. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thời gian kích hoạt càng xa ngày phát hành, khách hàng sẽ càng bị “thiệt” về phí thường niên, do ngân hàng thu phí theo kỳ cố định và thu đủ năm.

Chẳng hạn, thẻ phát hành ngày 1/1/2024, đến ngày 1/7/2024 khách hàng mới kích hoạt, mặc dù thời gian sử dụng thực tế năm đầu tiên chỉ là 6 tháng (từ tháng 7 tới hết tháng 12) nhưng khách hàng sẽ vẫn bị thu đủ phí thường niên cho năm đầu tiên (từ 1/1/2024-31/12/2024).

Ở VIB, cách tính phí thường niên sẽ khác một chút. Ngân hàng không thu phí thường niên năm đầu nếu chủ thẻ không kích hoạt, nhưng từ năm thứ 2 trở đi thu phí thường niên như thẻ active. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ không tự hủy thẻ sau 1 thời gian khách hàng không kích hoạt. Khi khách hàng muốn đóng thẻ sẽ mất phí đóng thẻ (theo biểu phí niêm yết trên website ngân hàng).

Ngoài ra, trên góc độ rủi ro, việc kích hoạt thẻ tín dụng hiện nay khá đơn giản và có nhiều cách như nhắn tin, gọi điện đến số tổng đài, hoặc kích hoạt trên app. Trong trường hợp cả phôi thẻ và điện thoại của khách hàng rơi vào tay người khác, thẻ tín dụng có thể được kích hoạt và sử dụng gian lận.