Rạng sáng nay, CEO Tim Cook của tập đoàn công nghệ nổi tiếng Apple đã có mặt tại Việt Nam. Theo thông tin đăng tải trên website của hãng, ngay khi vừa đến Hà Nội, Tim Cook đã chia sẻ ấn tượng rất tốt đẹp: "Không có nơi nào như Việt Nam, một đất nước sôi động và xinh đẹp. Tôi vô cùng hào hứng khi được tới đây kết nối với sinh viên, nhà sáng tạo và khách hàng, hiểu hơn về sự đa dạng trong cách họ sử dụng sản phẩm của chúng tôi để làm nên những điều phi thường”.

Không phải ngẫu nhiên mà vị CEO của Apple lại lựa chọn đến Việt Nam ở thời điểm này. Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với Apple ở cả 2 khía cạnh: doanh thu và chuỗi cung ứng.

Việt Nam - nguồn doanh thu ngày càng quan trọng của Apple

Năm ngoái, Apple đã mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên người tiêu dùng Việt có thể mua trực tiếp bất kỳ sản phẩm nào của "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ.

Thực tế thì Apple đã quan tâm tới Việt Nam từ hơn một thập kỷ trước. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, Việt Nam đang nổi lên như trọng tâm mới của Apple sau thời gian tập trung vào thị trường đã phát triển như Trung Quốc.

Cùng với một số thị trường châu Á khác như Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ, Việt Nam đang trở nên quan trọng hơn với Apple khi tốc độ tăng trưởng tại những khu vực trọng điểm đang chững lại.
Vì sao CEO Tim Cook bất ngờ ghé thăm Việt Nam?
Cửa hàng trực tuyến của Apple tại Việt Nam. Ảnh: Internet

Theo phân tích từ các chuyên gia, Apple đang bắt đầu đa dạng hóa thị trường để tránh rủi ro trong tương lai. Trong báo cáo tài chính quý I/2023, CEO Tim Cook cho biết doanh số iPhone lập kỷ lục tại nhiều nước như Ấn Độ, Mexico, Indonesia, Philippines, Malaysia.

Đồng thời, tại cuộc họp về kết quả kinh doanh hai quý cuối năm 2022, lãnh đạo Apple đều nhắc đến Việt Nam như điểm sáng về tình hình kinh doanh với mức tăng trưởng hai con số.

"Nơi chúng tôi đạt kết quả thực sự xuất sắc trong quý vừa qua là ở thị trường mới nổi. Chúng tôi không thể không tự hào hơn về những gì đã đạt được ở đó", Cook nói.

Các con số khả quan tại những nước này ngược với tình hình doanh thu ảm đạm của hãng tại những khu vực trọng điểm. "Rõ ràng, tăng trưởng chậm lại trên toàn cầu đã gây thêm áp lực với Apple, buộc công ty ráo riết theo đuổi các thị trường mới", nhà phân tích Daniel Ives của Wedbush Securities nhận xét.

Cơ hội cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Apple

Trước đó, theo Reuters, trong giai đoạn 2014-2019, Trung Quốc là vị trí đắc địa của các nhà cung ứng cho Apple, chiếm từ 44 đến 47%. Song tỉ lệ giảm còn 41% năm 2020 và 36% năm 2021. Ngược lại, Việt Nam tăng từ 2,2% lên 3,7% trong cùng kỳ.

Tháng 9/2023, trong tọa đàm “Việt Nam – Địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội và thách thức”, ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) chia sẻ Apple đã chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo danh sách nhà cung ứng toàn cầu năm 2022 của Apple, 25 nhà cung ứng đang đặt nhà máy tại nhiều tỉnh thành Việt Nam, chẳng hạn Advanced Semiconductor Engineering Technology, Lens Technology, LG Display, LG Innotek, Luxshare Precision, Murata Manufacturing, Samsung Electronics, Sharp,…

Dữ liệu trên cho thấy Apple và các đối tác đang nỗ lực đa dạng hóa thông qua đầu tư vào các nước không phải Trung Quốc, trong đó Việt Nam là một điểm sáng. Theo DigiTimes, Việt Nam có thể sản xuất 20% iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025.

Tháng 6/2023, Compal Electronics, nhà thầu sản xuất iPad và Apple Watch quan trọng, đã thuê đất ở Việt Nam để xây dựng nhà máy mới mở rộng công suất.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình, Compal Electronics Việt Nam đầu tư vào khu công nghiệp Liên Hà Thái để phát triển dự án chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy tính, thiết bị truyền thông, sản phẩm điện dân dụng, linh kiện điện tử.

Dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư 260 triệu USD, ước tính khi đi vào hoạt động doanh thu đạt khoảng 1,2 tỷ USD vào năm 2029 và 6,8 tỷ USD vào năm 2037.

Trong khi đó, Foxconn – một trong các nhà thầu lớn nhất của Apple – từng bước thực hiện kế hoạch phân bổ sản xuất iPad và MacBook sang Việt Nam. Foxconn hiện tuyển dụng hơn 60.000 nhân viên tại Việt Nam. Năm 2022, tập đoàn thông báo đầu tư 270 triệu USD để thành lập chi nhánh mới ở đây.

Vì sao CEO Tim Cook bất ngờ ghé thăm Việt Nam?
Bên trong một nhà máy sản xuất thiết bị Apple của Foxconn. Ảnh: Internet

Theo thông tin mới nhất từ tờ Economic Daily News, Foxconn Industrial Internet (FII), công ty con của Foxconn, sẽ độc quyền cung ứng máy chủ sản xuất tại Việt Nam cho Apple để đào tạo và thử nghiệm các dịch vụ AI.

Foxconn là nhà cung ứng máy chủ dùng trong trung tâm dữ liệu lớn nhất của Apple. Tập đoàn chiếm khoảng 43% thị trường máy chủ toàn cầu.

Trong bài báo tiêu đề “Apple đặt cược vào một thị trường mới nổi tại châu Á”, trang tin Quartz nhận xét Apple đang tìm kiếm tăng trưởng tại các quốc gia dân số trẻ và hiểu biết về kỹ thuật số như Việt Nam. Tờ này còn dẫn các số liệu như ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế số hàng năm của Việt Nam là 40%, giá trị kinh tế số năm 2022 đạt 23 tỷ USD, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company.