Ngày 8/7, tỷ giá USD trên thị trường tự do tiếp tục nối dài đà tăng so với phiên trước. Cụ thể, tăng 33 đồng ở chiều mua và 8 đồng chiều bán, giao dịch quanh mốc 26.433 - 26.508 VND/USD.
Việc tỷ giá USD liên tục tăng trong thời gian gần đây bất chấp đồng USD suy yếu đã khiến thị trường đặt ra câu hỏi: Tại sao USD yếu đi nhưng VND vẫn mất giá?
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II ngày 8/7 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đại diện NHNN chính thức lên tiếng phản hồi về vấn đề này.
Cụ thể, ông Phạm Chính Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết chỉ số Dollar Index, thước đo đo lường sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác (bao gồm euro, bảng Anh, yên Nhật, franc Thuỵ Sỹ, dollar Canada và krona Thuỵ Điển), đã giảm khoảng 10% trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, Đồng Việt Nam (VND) cũng mất giá 2,7-2,8% so với USD.
![]() |
Diễn biến chỉ số DXY - Nguồn: Tradingview |
Theo ông Quang, nguyên nhân chính khiến tiền đồng mất giá dù USD yếu đi là việc Việt Nam duy trì lãi suất tiền đồng ở mức thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thời gian qua, NHNN đã thực hiện các chính sách điều hành nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Mặt bằng lãi suất liên tục giảm từ cuối năm 2022 đến nay, tính riêng từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay bình quân đã giảm thêm 0,6%/năm.
"Để có lãi suất thấp thì phải có sự đánh đổi nhất định, trong đó có sự đánh đổi về tỷ giá", ông Phạm Chí Quang nhấn mạnh.
Ông lý giải: Hệ quả là khi lãi suất VND thấp, đồng nội tệ trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh đồng USD mang lại lợi suất cao hơn. Điều này khiến nhiều tổ chức tài chính có xu hướng chuyển sang nắm giữ USD.
Mặc dù nhìn cán cân thanh toán vẫn ổn định, vẫn có thặng dư tốt nhưng dòng tiền chuyển đổi rất nhanh liên quan đến dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán liên tục rút vốn từ năm 2024 đến nay, gây sức ép lớn lên thị trường ngoại hối.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân khoảng 267.600 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng bán ra tới 308.300 tỷ đồng. Như vậy, giá trị rút ròng đạt khoảng 40.700 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD.
![]() |
Ông Phạm Chính Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ảnh: SBV |
Ngoài ra, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, thời gian qua, để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giúp các tổ chức tín dụng tiếp cận được lãi suất thấp, NHNN đã duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Điều này dẫn tới chênh lệch lãi suất VND và USD ở trạng thái âm, từ đó kích thích cầu đầu cơ, nắm giữ ngoại tệ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây áp lực cho tỷ giá.
Nhìn về 6 tháng cuối năm, ông Quang dự báo tỷ giá sẽ phải chịu thêm sức ép từ chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn, chính sách thuế của Mỹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá, lãi suất trong thời gian tới khi dòng vốn có sự dịch chuyển giữa các quốc gia.
Bên cạnh đó, theo ông Quang, chính sách lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng là nhân tố lớn ảnh hưởng đến biến động lãi suất và tỷ giá tại Việt Nam trong những tháng tới.
Từ đầu năm đến nay, FED đã 2 lần trì hoãn giảm lãi suất do chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Trump và rủi ro tiềm ẩn về lạm phát. Mặc dù lạm phát tại các nước châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm nhưng lạm phát ở Mỹ lại rất bấp bênh. Hơn nữa, việc FED quyết định thời điểm điều chỉnh lãi suất chủ yếu dựa vào dữ liệu việc làm, trong khi các dữ liệu hiện nay còn chứa nhiều ẩn số và chưa cho thấy xu hướng rõ ràng.