Theo thống kê sơ bộ của Cục Hải quan, nhập khẩu lúa mì các loại trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt trên 3,06 triệu tấn, trị giá gần 817,27 triệu USD, giá trung bình 266,8 USD/tấn, giảm 1,9% về lượng, giảm 5,2% kim ngạch và giảm 3,4% về giá so với 6 tháng đầu năm 2024.
Trong đó, riêng tháng 6/2025 đạt 321.798 tấn, tương đương 88,3 triệu USD, giá trung bình 274,4 USD/tấn, giảm 4,5% về lượng, giảm 3% kim ngạch nhưng tăng 1,6% về giá so với tháng 5/2025; so với tháng 6/2024 thì tăng 11,7% về lượng, tăng 8,4% về kim ngạch nhưng giảm 2,9% về giá.
![]() |
Về thị trường, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp lúa mì cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025, chiếm 32,3% trong tổng lượng và chiếm 31,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước, đạt 989.002 tấn, tương đương gần 254,41 triệu USD, giá trung bình 257,2 USD/tấn, giảm 14% về lượng, giảm 11,5% kim ngạch nhưng tăng 3% về giá so với 6 tháng đầu năm 2024.
Thị trường lớn thứ 2 là Australia, 6 tháng đầu năm 2025 đạt 749.978 tấn, tương đương 203,33 triệu USD, giá 271 USD/tấn, chiếm 24,5% trong tổng lượng và chiếm 24,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước, tăng 15,9% về lượng, tăng 1,2% về kim ngạch nhưng giá giảm 12,8% so với 6 tháng đầu năm 2024.
Tiếp đến thị trường Mỹ 6 tháng đầu năm 2025 đạt 380.519 tấn, tương đương 104,96 triệu USD, giá 275,8 USD/tấn, chiếm 12,4% trong tổng lượng và chiếm 12,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của cả nước, tăng mạnh 68,3% về lượng, tăng 40,8% về kim ngạch nhưng giá giảm 16,3% so với 6 tháng đầu năm 2024.
Việt Nam từ lâu đã nổi tiếng là quốc gia xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, cà phê, hạt điều, sắn hay hồ tiêu. Tuy nhiên, ít ai biết rằng bên cạnh xuất khẩu mạnh, Việt Nam cũng là thị trường tiêu thụ và nhập khẩu lớn đối với một số loại nông sản chiến lược, đặc biệt là lúa mì.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, phần lớn lượng lúa mì nhập khẩu được sử dụng trong sản xuất thức ăn hỗn hợp cho chăn nuôi. Điều này xuất phát từ thực tế rằng Việt Nam gần như không trồng được lúa mì do điều kiện khí hậu không phù hợp, khiến nguồn cung phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu từ các thị trường nước ngoài.
Việt Nam hiện đang là một trong 10 nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Lúa mì là một trong những nguồn lương thực thiết yếu, được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Đồng thời đây cũng là 1 trong những loại ngũ cốc lâu đời nhất thế giới. Với mức sản lượng đứng sau bắp (ngô) và gạo, nó được xem như nguồn cung cấp lương thực chủ yếu cho con người trên khắp năm châu.