Chính phủ Indonesia đang đẩy mạnh cải cách nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực xe điện, trong đó đáng chú ý là việc sửa đổi quy định để cho phép bên thứ ba xây dựng và vận hành các trạm sạc công cộng, cũng như cung cấp các ưu đãi lớn cho doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa cao.
Theo ANTARA, phát biểu tại Jakarta ngày 6/5, Bộ trưởng Bộ Đầu tư kiêm Trưởng ban Điều phối Đầu tư - ông Rosan Roeslani cho biết Indonesia đang nỗ lực phát triển hệ sinh thái xe điện hoàn chỉnh, từ sản xuất đến hạ tầng, để đạt mục tiêu đến năm 2030 sản xuất 2,5 triệu xe điện/năm.
“Việc thiếu trạm sạc là rào cản lớn đối với việc phổ cập xe điện. Do đó, Chính phủ đã sửa đổi quy định, cho phép các bên thứ ba tham gia xây dựng trạm sạc xe điện trên toàn quốc nhằm thúc đẩy mạng lưới phân phối rộng khắp” - ông Roeslani nhấn mạnh.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Đầu tư kiêm Trưởng ban Điều phối Đầu tư - ông Rosan Roeslani |
Hiện tại, tổng cộng 3.772 trạm sạc xe điện đã được lắp đặt tại 2.515 địa điểm trên toàn quốc, trong đó riêng đảo Java có tới 2.667 trạm. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu trong tương lai.
Đáng chú ý, VinFast - hãng xe đến từ Việt Nam đã công bố kế hoạch đầu tư từ 30.000 đến 100.000 trạm sạc tại Indonesia, tập trung ở các khu vực đông dân cư như Java. Bộ trưởng Roeslani ước tính tổng vốn đầu tư cho kế hoạch này có thể lên đến 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng đặt kỳ vọng lớn vào việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất xe điện. Theo ông Roeslani, những doanh nghiệp đạt tỷ lệ nội địa hóa cao hơn sẽ nhận được mức ưu đãi tốt hơn, thể hiện sự thay đổi từ mô hình khuyến khích chung sang chính sách hỗ trợ theo mức độ đóng góp vào nền kinh tế nội địa.
“Chúng tôi sẽ tiếp cận theo hướng tích cực, ai có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn sẽ được nhận ưu đãi nhiều hơn" - Bộ trưởng Bộ Đầu tư kiêm Trưởng ban Điều phối Đầu tư Indonesia nói.
![]() |
Nhà máy VinFast Indonesia dự kiến sản xuất ra sản phẩm từ tháng 9/2025 (Ản minh họa) |
Hiện có 7 nhà sản xuất xe điện đã thành lập nhà máy tại Indonesia, bao gồm VinFast, Volkswagen, BYD, Citroen, AION, Maxus và Geely. Tổng vốn đầu tư từ các nhà sản xuất này đạt khoảng 938 triệu USD, với công suất sản xuất 281.000 xe/năm.
Chính phủ Indonesia cũng khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại chỗ, nhằm hỗ trợ mục tiêu phát triển dài hạn của ngành xe điện. Những nhà đầu tư cam kết R&D có thể nhận ưu đãi lên tới 300% - một mức hỗ trợ hiếm có trong chính sách đầu tư.
Ông Roeslani bày tỏ hy vọng Indonesia sẽ sớm trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng xe năng lượng tái tạo toàn cầu, đặc biệt khi quốc gia này đang nắm giữ lợi thế về nguyên liệu pin và nhân lực kỹ thuật.
Cũng trong ngày 6/4, VinFast chính thức mở bán mẫu VF 6 tại Indonesia. Trước đó, doanh nghiệp này đã giới thiệu các mẫu VF 3, VF 5 và VF e34 tại thị trường này. Với dân số 285 triệu người, Indonesia được xem là thị trường nước ngoài trọng điểm của VinFast.
Tại đây, doanh nghiệp đã đầu tư đầy đủ từ nhà máy (dự kiến sắp đi vào hoạt động) đến mạng lưới phân phối và xưởng dịch vụ. Ngoài ra, VinFast còn hợp tác với Xanh SM (dịch vụ taxi điện) và V-Green (đơn vị phát triển trạm sạc), là 2 công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhằm hoàn thiện hệ sinh thái tại quốc gia vạn đảo.