Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 5/2025 vừa công bố, CTCP Chứng khoán An Bình (ABS) chỉ ra bức tranh phân hóa rõ rệt của thị trường tháng 4: Khối tự doanh bất ngờ đảo chiều bán ròng mạnh 4.032 tỷ đồng; khối ngoại cũng bán ròng 14.700 tỷ đồng – mức cao nhất trong 10 tháng.

Trái ngược, nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục là lực đỡ chính với giá trị mua ròng hơn 22.400 tỷ đồng trong đó, tâm điểm được ghi nhận tại các mã bluechip như FPT và VIC.

Bộ ba cổ phiếu họ Vin (VIC, VHM, VRE) là nhóm dẫn dắt thị trường tháng 4, với mức tăng mạnh từ 13–24%, đồng thời là những cổ phiếu tăng mạnh nhất trong rổ VN30. Ở chiều ngược lại, hai mã bất động sản khu công nghiệp là GVR và BCM giảm gần 27%, trong khi các cổ phiếu lớn như PLX, BVH, VPB, GAS, SSI... cũng điều chỉnh hơn 10%.

VN-Index khó vượt 1.300 trong tháng 5, ABS đưa ra hai kịch bản hành động cho nhà đầu tư
Nguồn: FiinproX, ABS Research

Nhóm bất động sản là một trong số ít nhóm ngành vốn hóa lớn giữ được sắc xanh. Các nhóm khác như dầu khí – hóa chất, ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm, công nghệ thông tin đều chịu áp lực bán.

Về triển vọng thị trường, ABS nhận định đàm phán thương mại Việt – Mỹ sẽ là yếu tố quyết định xu hướng kinh tế trong 2–3 tháng tới. Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều biện pháp cân bằng thương mại như giảm thuế nhập khẩu hàng Mỹ, tăng nhập LNG, máy bay, công nghệ cao… Tuy nhiên, với mức thặng dư lớn, tiến trình đàm phán dự kiến còn kéo dài.

Việc tăng mua USD để đáp ứng nhập khẩu cũng tạo sức ép lên tỷ giá, kéo theo giá vàng tăng. Những yếu tố này khiến dòng tiền đầu tư bị gián đoạn. Dù vậy, nhiều chính sách hỗ trợ nội lực như đầu tư công, cải cách thể chế, hỗ trợ thuế phí, phát triển khoa học – công nghệ... đang được đồng loạt triển khai.

Về định giá, P/E của VN-Index đã tăng từ 10,86x lên 12,12x, vẫn thấp hơn trung bình 3 năm (13,13x). VN30 đang ở mức P/E 10,89x – thấp hơn đáng kể so với nhóm midcap (15,06x) và smallcap (13,41x), cho thấy mặt bằng định giá vẫn còn hấp dẫn.

Theo đó, Chứng khoán ABS đưa ra hai kịch bản. Cụ thể:

- Kịch bản 1 – Xác suất cao: Nếu đàm phán tiến triển và thuế quan tiếp tục được hoãn, VN-Index có thể vận động trong vùng 1.220–1.280 điểm. Nhà đầu tư nên bám sát nhóm cổ phiếu có tín hiệu kỹ thuật tích cực và duy trì xu hướng tăng theo MA5/10.

- Kịch bản 2 – Xác suất thấp: Nếu môi trường quốc tế xấu đi, thị trường có thể điều chỉnh sâu. Khi đó, đây sẽ là cơ hội giải ngân tốt cho nhà đầu tư trung – dài hạn.

Ngành ưu tiên đầu tư: Xuất khẩu, cảng biển, ngân hàng, phân bón, bán lẻ, bất động sản dân cư, dầu khí, công nghệ và khoáng sản. ABS đặc biệt khuyến nghị chọn cổ phiếu đầu ngành có lợi thế cạnh tranh và động lực tăng giá mạnh hơn thị trường.