Từ nay đến cuối năm 2025, ngành ngân hàng Việt Nam dự kiến sẽ chứng kiến hàng loạt thương vụ lớn như IPO, niêm yết cổ phiếu, phát hành tăng vốn và thâu tóm cổ phần.

Nhiều ngân hàng thương mại đang chạy đua thực hiện các kế hoạch quan trọng để mở rộng quy mô, nâng cao năng lực tài chính và hoàn tất tái cơ cấu. Dưới đây là những diễn biến nổi bật nhất, được cập nhật theo tình hình mới nhất của năm 2025.

Techcombank đẩy mạnh IPO công ty con TCBS

Một trong những thương vụ đáng chú ý nhất năm 2025 là kế hoạch IPO Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) – công ty con của Techcombank. Tại ĐHĐCĐ thường niên, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết ngân hàng đã xây dựng nhiều kịch bản IPO và làm việc với một đến hai nhà đầu tư lớn trong giai đoạn pre-IPO. Mục tiêu là chọn đúng thời điểm để tối ưu hóa giá trị, đồng thời không ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính sau phát hành.

Thương vụ được kỳ vọng sẽ là "cú hích" giúp Techcombank chạm mốc vốn hóa 20 tỷ USD. Hiện TCBS đóng góp 10–20% lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng, với lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 4.000 tỷ đồng. Công ty cũng đang dẫn đầu thị phần trái phiếu doanh nghiệp, chiếm hơn 25% phân phối, và duy trì biên lợi nhuận vượt trội 60–65% – gần gấp đôi trung bình ngành.

Điểm mạnh của TCBS nằm ở mô hình vận hành số hóa triệt để, tiết kiệm chi phí nhờ không phụ thuộc mặt bằng và môi giới. Công ty đầu tư mạnh vào công nghệ và trí tuệ nhân tạo, hướng tới tự động hóa toàn bộ quy trình đầu tư. Tỷ lệ khách hàng trẻ dưới 35 tuổi tăng lên 34% trong năm 2024 – một minh chứng cho định hướng số hóa phù hợp xu thế.

TCBS cũng hưởng lợi lớn từ hệ sinh thái Techcombank: nguồn vốn rẻ từ CASA (duy trì 35–38%), dữ liệu khách hàng dồi dào để cá nhân hóa sản phẩm, và các dịch vụ tích hợp như Auto Earning giúp tăng giá trị vòng đời khách hàng. Đây là mô hình “tăng trưởng cộng sinh” tiêu biểu giữa ngân hàng mẹ và công ty con.

Theo chuyên gia Lê Hoài Ân, mức định giá hợp lý của TCBS vào khoảng 3,5–4 tỷ USD, nhưng trong kịch bản thuận lợi – gồm nâng hạng thị trường và điều kiện vĩ mô tích cực – vốn hóa 5 tỷ USD hoàn toàn khả thi. IPO có thể diễn ra vào quý IV/2025 hoặc được dời sang đầu 2026 nếu thị trường chưa phù hợp. Với lợi thế cạnh tranh rõ rệt, TCBS đang tiến gần đến vị thế công ty chứng khoán giá trị nhất Việt Nam.

Vốn hóa, cổ phần, ngân hàng số: Kỷ nguyên chuyển động mạnh mẽ của ngành ngân hàng Việt năm 2025
Chiến lược 5-5-5-5-2025 của TCBS: Trở thành nhạc trưởng dòng chảy vốn. Nguồn: Nguồn: Báo cáo Chiến lược TCBS 2025, trình bày tại Đại hội cổ đông Techcombank 2025, WiData tổng hợp.

Tái cấu trúc ngân hàng yếu kém: Bước chuyển mình sau khi về tay “ông lớn”

Năm 2025 đánh dấu giai đoạn quan trọng trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, khi bốn ngân hàng từng bị kiểm soát đặc biệt – gồm GPBank, OceanBank, DongABank và CBBank – chính thức được chuyển giao bắt buộc về cho bốn ngân hàng thương mại cổ phần lớn: VPBank, MB, HDBank và Vietcombank.

Ngay sau tiếp nhận, các ngân hàng mẹ đã tiến hành tái cấu trúc toàn diện, từ thương hiệu, mô hình vận hành cho đến chiến lược kinh doanh, đưa các ngân hàng này từng bước thoát khỏi tình trạng “0 đồng”.

Ba trong số bốn ngân hàng đã được đổi tên, bao gồm: OceanBank trở thành MBV (Ngân hàng TMCP MB Việt Nam) – trực thuộc MB, DongABank đổi thành Vikki Digital Bank – thuộc HDBank, CBBank trở thành VCBNeo – ngân hàng số dưới sự quản lý của Vietcombank. Chỉ riêng GPBank hiện vẫn giữ nguyên tên, nhưng đã được VPBank xây dựng kế hoạch phục hồi rõ ràng.

Dưới sự hậu thuẫn về tài chính, công nghệ và quản trị từ các ngân hàng mẹ, cả bốn tổ chức đang có những chuyển biến mạnh mẽ, được kỳ vọng sẽ có lãi ngay trong năm 2025. Chẳng hạn, GPBank – từng lỗ hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm – được ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank, xác nhận sẽ đạt tối thiểu 500 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay nhờ chiến lược tái cấu trúc bài bản với sự hỗ trợ của McKinsey.

MBV, ngân hàng thành viên của MB, cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng lộ trình kinh doanh 3 năm và nhận hỗ trợ toàn diện về nhân sự, công nghệ và định hướng phát triển. Ngân hàng này đặt mục tiêu có lãi ngay từ năm đầu tiên tái cơ cấu.

Tương tự, Vikki Digital Bank dưới sự quản trị của HDBank đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành ngân hàng số phục vụ khách hàng trẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn 200 điểm giao dịch của DongABank cũ đã khoác lên mình diện mạo mới, hướng tới mô hình vận hành linh hoạt, công nghệ cao.

Về phần VCBNeo, Vietcombank đã tích hợp hệ thống core banking đồng bộ, rà soát toàn diện hoạt động và nhân sự, đồng thời xây dựng lộ trình phục hồi theo chuẩn mực quản trị của ngân hàng mẹ.

Vốn hóa, cổ phần, ngân hàng số: Kỷ nguyên chuyển động mạnh mẽ của ngành ngân hàng Việt năm 2025
Bốn ngân hàng yếu kém gồm GPBank, OceanBank, DongABank và CBBank đã được chuyển giao bắt buộc về tay VPBank, MB, HDBank và Vietcombank trong tiến trình tái cấu trúc ngành ngân hàng năm 2025.

Đáng chú ý, các ngân hàng tham gia nhận chuyển giao cũng được hưởng một ưu đãi chính sách chưa từng có tiền lệ: theo Nghị định 69/2025/NĐ-CP, có hiệu lực từ 19/5/2025, nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ tại các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc – miễn là ngân hàng đó không có vốn Nhà nước chi phối trên 50%.

Điều này tạo ra dư địa lớn cho MB, VPBank và HDBank – những ngân hàng thương mại cổ phần – trong việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược quốc tế. Ngược lại, các ngân hàng như Vietcombank hay BIDV, do Nhà nước vẫn nắm trên 50% vốn, không được hưởng ưu đãi này.

Trên thực tế, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại MB, VPBank và HDBank hiện vẫn dưới 30%, do đó việc nâng trần lên 49% mở ra cơ hội thu hút dòng vốn ngoại hàng tỷ USD trong trung hạn. Các chuyên gia đánh giá đây là “cửa sổ chiến lược” cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh mô hình ngân hàng số (như MBV, Vikki, GPBank tái cấu trúc) đang phát triển mạnh, ít gánh nặng lịch sử và có thể vận hành linh hoạt trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Ngoài việc mở room ngoại, các ngân hàng nhận chuyển giao còn được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên về tăng trưởng tín dụng, nâng cao hạn mức cho vay và tiếp cận chính sách đặc thù về tài chính, nhân sự, nhằm đảm bảo hiệu quả phục hồi.

MB cho biết mục tiêu tăng trưởng tín dụng của MBV trong năm nay là 24%, năm 2026 là 35%. Với GPBank, VPBank kỳ vọng tăng trưởng tín dụng bình quân 35% mỗi năm trong vòng 5 năm tới.

Việc tái cấu trúc ngân hàng yếu kém dưới mô hình “ngân hàng mẹ – ngân hàng con” đang được đánh giá là giải pháp thực tế và hiệu quả nhất hiện nay. Không chỉ làm sạch hệ thống tín dụng, mô hình này còn mở ra cơ hội mới cho đổi mới quản trị, ứng dụng công nghệ và gia nhập thị trường tài chính số.

Hai ngân hàng chuẩn bị lên sàn chứng khoán

Bên cạnh Techcombank, năm 2025 cũng đánh dấu bước chuyển mình của VietABank và Kienlongbank khi hai ngân hàng này tăng tốc kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán.

Ngày 14/5/2025, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết gần 540 triệu cổ phiếu VAB của Ngân hàng Việt Á (VietABank).

Trước đó, ĐHĐCĐ VietABank đã thông qua việc chuyển toàn bộ cổ phiếu sang niêm yết tại HOSE nhằm thực hiện chủ trương Chính phủ về việc đến năm 2025 tất cả ngân hàng thương mại cổ phần phải lên sàn.

Tổng Giám đốc VietABank Nguyễn Văn Trọng cho biết ngân hàng đã chính thức nộp hồ sơ lên HOSE và được chấp thuận bước đầu; dự kiến trong vòng 2 tháng sẽ hoàn tất thủ tục chuyển cổ phiếu từ UPCoM sang HOSE.

Chủ tịch VietABank Phương Thành Long kỳ vọng việc niêm yết trên HOSE từ quý III/2025 sẽ giúp cổ phiếu VAB giao dịch sôi động hơn và ngân hàng tiếp cận được nhiều nhà đầu tư hơn.

Tương tự, Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank, mã KLB) cũng đã được ĐHĐCĐ 2025 thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Lãnh đạo Kienlongbank nhấn mạnh việc lên sàn là cần thiết để ngân hàng nâng cao tính minh bạch, tăng khả năng cạnh tranh và khẳng định vị thế là công ty đại chúng quy mô lớn.

Hội đồng Quản trị Kienlongbank cho biết sẽ khẩn trương triển khai các thủ tục pháp lý và đặt mục tiêu hoàn thành niêm yết trong quý IV/2025, sau khi được các cơ quan quản lý chấp thuận.

Như vậy, nếu mọi việc suôn sẻ, VietABank và Kienlongbank sẽ gia nhập nhóm ngân hàng niêm yết trong năm nay, góp phần hoàn tất mục tiêu niêm yết toàn bộ hệ thống ngân hàng vào 2025 theo đề án tái cơ cấu ngành.

Vietcombank, BIDV rốt ráo tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu

Song song với làn sóng lên sàn, các “ông lớn” ngân hàng quốc doanh cũng có những thương vụ phát hành cổ phiếu đáng chú ý nhằm tăng cường năng lực tài chính.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Vietcombank (VCB) đã thông qua phương án chào bán riêng lẻ tối đa 543,1 triệu cổ phiếu (tương đương 6,5% số cổ phiếu đang lưu hành) cho tối đa 55 nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đợt phát hành này dự kiến triển khai trong giai đoạn 2025–2026, có thể chia thành nhiều đợt tùy theo nhu cầu thị trường. Nếu thành công, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng từ gần 89.000 tỷ đồng hiện nay lên mức cao mới, tiếp tục giữ vững vị thế ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường.

Tương tự, BIDV – một trong “Big 4” ngân hàng nhà nước khác – cũng đã trình kế hoạch tăng vốn năm 2025 thông qua phát hành thêm cổ phiếu. Ngân hàng dự kiến chào bán (riêng lẻ hoặc ra công chúng) tối đa 269,846 triệu cổ phiếu, tương đương 3,84% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Nếu thực hiện thành công toàn bộ, BIDV có thể thu về một nguồn thặng dư vốn đáng kể, củng cố hệ số an toàn vốn và tạo điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh.

Các đợt phát hành của Vietcombank và BIDV diễn ra trong bối cảnh yêu cầu Basel III và áp lực tăng vốn đang hiện hữu, do đó được giới phân tích đánh giá là cần thiết để hai ngân hàng duy trì đà tăng trưởng và đảm bảo an toàn hệ thống.

Vốn hóa, cổ phần, ngân hàng số: Kỷ nguyên chuyển động mạnh mẽ của ngành ngân hàng Việt năm 2025

Vietcombank và BIDV đồng loạt triển khai kế hoạch phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu trong năm 2025 nhằm tăng vốn, đáp ứng chuẩn Basel III và giữ vững vị thế đầu ngành.

Nhiều ngân hàng thương mại thâu tóm công ty chứng khoán

Khối ngân hàng tầm trung cũng sôi động không kém với các kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực chứng khoán. Tại ĐHĐCĐ 2025, Sacombank (STB) đã thông qua chủ trương mua lại một công ty chứng khoán để trở thành công ty con của ngân hàng.

Theo tờ trình, Sacombank sẽ đầu tư mua trên 50% cổ phần tại một công ty chứng khoán, với tổng giá trị tối đa 1.500 tỷ đồng. Đáng chú ý, Sacombank hiện nắm gần 14% cổ phần tại Chứng khoán SBS – công ty từng là công ty con của ngân hàng trước đây.

Sacombank đã thoái vốn khỏi SBS từ năm 2011 do hoạt động kém hiệu quả và từng dự định bán hết cổ phần tại đây. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Sacombank khẳng định với cổ đông rằng ngân hàng sẽ lựa chọn một công ty chứng khoán mới, chứ không mua lại SBS.

Như vậy, danh tính công ty chứng khoán mục tiêu vẫn được giữ kín, và thương vụ dự kiến sẽ được Sacombank triển khai ngay khi tìm được đối tác phù hợp và được cơ quan quản lý chấp thuận.

Cùng xu hướng M&A này, MSB (Ngân hàng Hàng Hải) cũng đã được cổ đông “bật đèn xanh” cho kế hoạch góp vốn, mua cổ phần một công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ để đưa vào hệ sinh thái tập đoàn MSB.

Tổng Giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ ngân hàng hướng đến những công ty chứng khoán có tài sản “sạch” và vốn điều lệ khoảng 300–500 tỷ đồng để thâu tóm. Sau khi trở thành công ty con, MSB sẽ tăng vốn cho công ty chứng khoán này nhằm mở rộng hoạt động và gắn kết hỗ trợ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Hiện MSB chưa công bố đối tác cụ thể, nhưng giới quan sát cho rằng mục tiêu 300–500 tỷ vốn điều lệ cho thấy MSB nhắm đến các công ty quy mô nhỏ, thuận lợi cho việc tái cấu trúc và tích hợp.

Trong khi đó, SeABank (SSB) đã đi trước một bước khi công bố rõ tên tuổi mục tiêu. ĐHĐCĐ SeABank 2025 đã phê duyệt kế hoạch mua cổ phần của Công ty Cổ phần Chứng khoán ASEAN (Asean Securities) – doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng – để đưa công ty này thành công ty con của SeABank.

SeABank dự kiến mua đến 100% vốn điều lệ của Asean Securities, biến đây thành công ty chứng khoán riêng trực thuộc ngân hàng. Thương vụ có thể thực hiện trong năm 2025 ngay sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận.

Nếu thành công, SeABank sẽ gia nhập nhóm ngân hàng sở hữu công ty chứng khoán riêng, tạo thuận lợi cho việc cung cấp dịch vụ tài chính trọn gói (ngân hàng đầu tư, môi giới chứng khoán, quản lý tài sản…) cho khách hàng.