TAND Cấp cao tại TP. Hà Nội đang tiến hành gửi bản án phúc thẩm vụ Trịnh Văn Quyết đến các bị hại và người có liên quan.
Theo nội dung bản án sơ thẩm, các bị cáo Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế phải liên đới bồi thường gần 1.786 tỷ đồng cho các bị hại và những người có yêu cầu bồi thường (theo phụ lục 3.1 của bản án).
Ngoài ra, với tội danh thao túng thị trường chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết và em gái đã thu lợi bất chính hơn 684 tỷ đồng. Sau khi trừ số tiền mà các bị cáo khác đã nộp để khắc phục hậu quả, ông Quyết còn phải nộp gần 684 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Công ty Chứng khoán BOS cũng bị buộc phải nộp lại hơn 42,4 tỷ đồng thu lợi bất chính từ hành vi thao túng thị trường để sung công quỹ.
Để đảm bảo cho việc thi hành án, nhiều tài sản của các bị cáo đã bị kê biên, ngăn chặn giao dịch hoặc tạm dừng biến động. Trong đó có bất động sản, tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán. Bản án sơ thẩm nêu rõ, nếu tài sản bị kê biên đang được dùng làm tài sản thế chấp tại ngân hàng hoặc công ty chứng khoán, thì việc xử lý tài sản sẽ ưu tiên thanh toán nghĩa vụ nợ trước khi dùng để thi hành án.
Tại phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho biết, gia đình ông Trịnh Văn Quyết đã nộp thừa hơn 22 tỷ đồng so với nghĩa vụ bồi thường trong vụ án. Ngoài ra, bà Phạm Tú Anh – người thân trong gia đình ông Quyết – cam kết dùng toàn bộ số dư 24,5 tỷ đồng trong tài khoản mở tại Techcombank để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án nếu cần thiết.
![]() |
Ảnh ông Trịnh Văn Quyết tại tòa sơ thẩm |
Tại phiên phúc thẩm, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 7 năm tù giam và phạt bổ sung 4 tỷ đồng về tội thao túng thị trường chứng khoán. Ngoài ra, 15 bị cáo khác trong cùng vụ án bị phạt tổng cộng 36 tỷ đồng.
HĐXX quyết định tạm giữ khoản 24,5 tỷ đồng trong tài khoản của bà Phạm Tú Anh để đảm bảo nghĩa vụ nộp phạt cho 15 bị cáo nói trên. Phần còn thiếu gần 11,5 tỷ đồng sẽ được trừ vào số tiền gia đình ông Quyết đã nộp thừa. Phần tiền còn lại (hơn 9,5 tỷ đồng), bị cáo Trịnh Văn Quyết tự nguyện nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước.
HĐXX cũng quyết định trả lại cho các bị cáo Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga hơn 4 tỷ đồng – là số tiền còn dư sau khi thi hành án.
Do các bị cáo đã nộp thừa tiền khắc phục hậu quả, tòa đề nghị hủy kê biên tài sản đối với 9 bất động sản thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết và hai em gái, cùng với các cổ phần, cổ phiếu đang bị kê biên.
![]() |
Số cổ phần bị kê biên của 3 anh em ông Trịnh Văn Quyết |
Theo thống kê, có hơn 1,5 tỷ cổ phần các loại thuộc nhiều công ty khác nhau trong hệ sinh thái, thuộc sở hữu của 3 anh em ông Trịnh Văn Quyết, đã bị kê biên. Trong đó, nhiều nhất là hơn 1 tỷ cổ phần tại CTCP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding. Nhóm cổ phiếu từng giao dịch trên sàn, bị kê biên, gồm FLC, GAB và ART.
HĐXX cho biết sẽ hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn giao dịch tài sản đối với các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đồng thời, tòa sẽ gửi công văn đến các cơ quan chức năng để tạm dừng việc phong tỏa, ngăn chặn biến động tài sản đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, bà Lê Thị Ngọc Diệp, bà Trịnh Thị Thúy Nga và bà Trịnh Thị Minh Huế.