Theo Forbes, giá Bitcoin đã vượt mốc 100.000 USD trong tuần này, đánh dấu lần đầu tiên quay lại vùng sáu chữ số kể từ tháng 2, giữa lúc nhà đầu tư toàn cầu hướng sự chú ý vào diễn biến mới trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung và những cảnh báo về làn sóng bán tháo đồng đô la.

Đáng chú ý, David Sacks – cố vấn tiền số dưới thời Tổng thống Donald Trump – đã đưa ra một dự báo hiếm hoi về giá Bitcoin, góp phần thúc đẩy đà tăng của thị trường. Trong khi đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell được cảnh báo rằng một “trận lở tuyết tài chính” trị giá 2.500 tỷ USD có thể đang nhắm đến đồng đô la – và điều này có thể là chất xúc tác để Bitcoin tiến gần hơn đến mức vốn hóa 20.000 tỷ USD của vàng.

Trong một báo cáo được MarketWatch trích dẫn, CEO Stephen Jen và chuyên gia kinh tế Joana Freire của Eurizon SLJ Capital nhận định: “Chúng tôi tiếp tục cảnh báo nguy cơ bị bất ngờ bởi một đợt bán tháo phi tuyến tính đối với đồng đô la đang gia tăng”.

Họ dẫn chứng sự tăng giá đột ngột của đồng Tân Đài tệ và nhiều đồng tiền châu Á khác là dấu hiệu cảnh báo sớm. Nếu đồng đô la suy yếu, Fed cắt giảm lãi suất và Trung Quốc phục hồi, lượng dự trữ USD khổng lồ tại châu Á có thể sẽ đảo chiều.

Fed được kỳ vọng sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ mùa hè này, với tổng mức giảm lên tới 75 điểm cơ bản trong năm 2025, sau khi giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp gần nhất.

2.500 tỷ USD sắp ‘tháo chạy’ khỏi đồng đô: Bitcoin hưởng lợi lớn nhất?
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell được cảnh báo rằng một “trận lở tuyết tài chính” trị giá 2.500 tỷ USD có thể đang nhắm đến đồng đô la – và điều này có thể là chất xúc tác để Bitcoin tiến gần hơn đến mức vốn hóa 20.000 tỷ USD của vàng.

Giá Bitcoin tiếp tục tăng mạnh sau khi Tổng thống Trump bất ngờ phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán lại mức thuế nhập khẩu áp lên Trung Quốc – mức thuế lên đến 80% được áp dụng từ đầu tháng 4 đã từng gây ra đợt sụt giảm sâu của thị trường crypto và chứng khoán.

“Trung Quốc đã đồng ý tham gia đàm phán theo đề nghị từ phía Mỹ”, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington xác nhận.

Các chuyên gia nhận định kết quả từ cuộc đàm phán cuối tuần này sẽ tác động đáng kể đến tâm lý thị trường. “Nếu không có thiện chí từ cả hai bên, tâm lý ‘ưa rủi ro’ có thể nhanh chóng suy yếu, ảnh hưởng tiêu cực đến Bitcoin”, Yuya Hasegawa từ Bitbank (Nhật Bản) nhận định.

David Morrison, chuyên gia từ Trade Nation, thì cho rằng thị trường đã phản ánh phần lớn tin tốt, trong khi quá trình thương lượng thương mại có thể kéo dài và rủi ro từ căng thẳng Mỹ - Trung vẫn hiện hữu.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Á đang nắm giữ lượng lớn tài sản bằng USD (ước tính 2.500 tỷ USD), nguy cơ bán tháo được các chuyên gia coi là có thật nếu Fed tiếp tục xoay trục chính sách. Những dòng vốn thoát khỏi đồng đô có thể chuyển hướng sang tài sản thay thế như Bitcoin.

Geoff Kendrick, Trưởng bộ phận nghiên cứu tiền số của Standard Chartered, cho biết câu chuyện của Bitcoin đang chuyển biến nhanh chóng. Từ một tài sản rủi ro tương quan với thị trường, giờ đây Bitcoin trở thành lựa chọn chiến lược cho các dòng vốn tái phân bổ – đặc biệt sau sự xuất hiện của các quỹ ETF Bitcoin, các bang tại Mỹ cho phép nắm giữ Bitcoin trong kho bạc, và sự quan tâm từ các quỹ hưu trí, tài sản quốc gia.

“Tôi xin lỗi nếu mục tiêu 120.000 USD quý II của tôi là quá khiêm tốn”, Kendrick nói thêm.

Thậm chí, một số chuyên gia còn tin rằng Bitcoin sẽ vượt cả vàng về quy mô. Bill Miller IV từ Miller Value Partners nhận định Bitcoin là công cụ “kiểm tra và cân bằng” đối với sự mất kiểm soát trong phát hành tiền pháp định, và điều này sẽ đưa giá Bitcoin lên tới 1 triệu USD mỗi đồng.