Vào giữa tháng 3/2025, BYD đã công bố hệ thống sạc siêu nhanh với công suất 1.000 kW (1 MW), cho phép xe điện chạy thêm 400 km chỉ sau 5 phút sạc. Hệ thống này được tích hợp trên nền tảng Super e-Platform mới của BYD, dự kiến sẽ xuất hiện trên các mẫu xe Han L sedan và Tang L SUV. Để hỗ trợ công nghệ này, BYD lên kế hoạch xây dựng hơn 4.000 trạm sạc siêu nhanh trên khắp Trung Quốc, với khoảng 500 trạm đầu tiên sẽ đi vào hoạt động từ đầu tháng 4/2025.
Không lâu sau đó, Zeekr, một thương hiệu xe điện cao cấp, đã công bố bộ sạc mới với công suất đỉnh lên tới 1,2 MW. Bộ sạc này sử dụng hệ thống làm mát bằng chất lỏng và dự kiến ra mắt chính thức tại Triển lãm Ô tô Thượng Hải vào ngày 23/4/2025. Zeekr cho biết, trong ba năm qua, họ đã nâng cấp công suất sạc từ 360 kW lên 800 kW và hiện tại là 1,2 MW, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
![]() |
Sạc siêu tốc của BYD cho phép xe điện chạy thêm 400 km chỉ sau 5 phút sạc. Ảnh minh họa |
Không chịu kém cạnh, Huawei cũng thông báo sẽ ra mắt bộ sạc siêu nhanh với công suất 1,5 MW vào ngày 22/4/2025. Bộ sạc này có khả năng cung cấp 20 kWh mỗi phút, cho phép sạc đầy một chiếc xe trong khoảng 15 phút. Tuy nhiên, khác với BYD và Zeekr tập trung vào xe du lịch, Huawei hướng bộ sạc này đến các xe tải hạng nặng, với mục tiêu giảm thời gian sạc xuống dưới 30 phút để hỗ trợ quá trình điện khí hóa trong lĩnh vực vận tải.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ sạc siêu nhanh tại Trung Quốc không chỉ nâng cao trải nghiệm người dùng mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe điện. Tuy nhiên, việc triển khai rộng rãi các trạm sạc với công suất lớn đặt ra thách thức về cơ sở hạ tầng điện, đòi hỏi sự đầu tư và quy hoạch hợp lý để đảm bảo hiệu quả và an toàn.