Sau khi bà Nguyễn Đức Thạch Diễm rút khỏi vị trí Tổng Giám đốc Sacombank vào cuối tháng 5/2025, số lượng nữ CEO tại các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết chỉ còn lại 3 người. Trong bối cảnh gần một nửa số ngân hàng đã thay CEO trong hai năm qua, sự hiện diện bền bỉ của các “nữ thuyền trưởng” càng trở nên đáng chú ý.
Ngô Thu Hà – Người giữ vững tay lái SHB trong giai đoạn tái cấu trúc
Sinh năm 1973, bà Ngô Thu Hà là Tiến sĩ Kinh tế, hội viên CPA Australia và là một trong những gương mặt kỳ cựu của SHB với hơn 15 năm gắn bó. Sau thời gian dài giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc, bà được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc vào tháng 9/2022, trở thành nữ CEO đầu tiên trong lịch sử ngân hàng này – đúng vào thời điểm SHB khởi động giai đoạn tái cấu trúc mô hình quản trị.
Dưới sự điều hành của bà Hà, SHB duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định giữa bối cảnh thị trường nhiều biến động. Kết thúc quý I/2025, ngân hàng ghi nhận tổng tài sản đạt gần 791.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm trước; dư nợ tín dụng đạt hơn 575.000 tỷ đồng, tăng trưởng 7,8%; và lợi nhuận trước thuế lên tới gần 4.400 tỷ đồng – tương đương 30% kế hoạch năm. Ngân hàng cũng đang kiểm soát tốt nợ xấu với tỷ lệ duy trì dưới 2,4% và định hướng đưa về dưới 2% trong năm nay.
Đáng chú ý, SHB đã công bố chiến lược giai đoạn 2024–2028 với mục tiêu lọt top đầu về hiệu quả hoạt động, chuyển đổi số và phát triển tín dụng xanh. Trong vai trò “nữ thuyền trưởng”, bà Hà không chỉ kiên định với chiến lược tăng trưởng an toàn – bền vững mà còn để lại dấu ấn về tư duy quản trị hiện đại và quyết liệt.
![]() |
Bà Ngô Thu Hà là Tiến sĩ Kinh tế, hội viên CPA Australia và là một trong những gương mặt kỳ cựu của SHB với hơn 15 năm gắn bó. |
Thái Hương – Kiến trúc sư trưởng của ngân hàng nông nghiệp sạch
Là người sáng lập Bac A Bank từ năm 1994, bà Thái Hương đến nay vẫn đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc ngân hàng này. Đồng thời, bà còn là Chủ tịch Hội đồng Chiến lược của Tập đoàn TH – đơn vị sở hữu thương hiệu TH True Milk, nổi bật với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Với triết lý "dùng đồng tiền một cách văn minh", bà Hương định hướng Bac A Bank phát triển theo hướng bền vững, ưu tiên tài trợ cho các dự án nông nghiệp sạch, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và lĩnh vực có tác động xã hội tích cực. Bản thân bà cũng từng được vinh danh là “Nhà lãnh đạo có tầm nhìn xuất sắc – khu vực châu Á” vì những đóng góp trong lĩnh vực ESG.
Trong quý I/2025, Bac A Bank đạt kết quả tích cực khi lợi nhuận trước thuế đạt hơn 367 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản của ngân hàng tính đến hết tháng 3 đạt 175.365 tỷ đồng, tăng khoảng 6%, trong khi dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 111.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 1%.
Đặc biệt, Bac A Bank tiếp tục kiểm soát tốt chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức thấp 1,26%, phản ánh chiến lược cho vay thận trọng và bền vững của ngân hàng.
![]() |
Bà Thái Hương hiện là Tổng Giám đốc Bac A Bank và là Chủ tịch Hội đồng Chiến lược của Tập đoàn TH – đơn vị sở hữu thương hiệu TH True Milk. |
Trần Tuấn Anh – Từ KienlongBank đến cuộc hồi sinh của VietBank
Gia nhập VietBank vào tháng 7/2023 với vai trò trợ lý Chủ tịch HĐQT, bà Trần Tuấn Anh nhanh chóng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc chỉ sau một tháng. Trước đó, bà đã có gần 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, từng giữ chức CEO tại KienlongBank và giữ nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao ở HDBank và Viet Capital Bank.
Không mất nhiều thời gian để bà tạo dấu ấn tại VietBank. Dưới sự điều hành của bà, ngân hàng đã có một quý tăng trưởng ấn tượng khi lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt 248 tỷ đồng – tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ. Cùng kỳ, tổng tài sản ngân hàng tăng 7% lên 174.377 tỷ đồng, còn dư nợ tín dụng tăng 4% đạt 97.298 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,75% xuống còn 2,64%, cho thấy tín hiệu tích cực trong việc kiểm soát chất lượng tài sản.
Không chỉ phục hồi về tài chính, VietBank dưới thời bà Trần Tuấn Anh còn đẩy mạnh chuyển đổi số, cải tiến sản phẩm và hướng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% trong năm nay nếu được nới room. Ngân hàng hiện cũng nằm trong nhóm PRIVATE 100 – top doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất cả nước.
![]() |
Bà Trần Tuấn Anh có gần 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng. |
Gần một nửa ngân hàng niêm yết đã thay CEO trong hai năm
Không chỉ số lượng nữ CEO ngày càng hiếm, thị trường tài chính Việt Nam còn đang chứng kiến làn sóng thay đổi lãnh đạo cấp cao mạnh mẽ. Chỉ trong hai năm (2023–2025), đã có ít nhất 12 ngân hàng niêm yết thay Tổng Giám đốc – chiếm gần 50% tổng số nhà băng giao dịch cổ phiếu trên sàn.
Trong đó, Vietcombank đã bổ nhiệm ông Lê Quang Vinh làm CEO mới vào tháng 3/2025 sau khi ông Nguyễn Thanh Tùng lên làm Chủ tịch. VietinBank cũng chuyển giao điều hành cho ông Nguyễn Trần Mạnh Trung – một CEO thế hệ 8x. MB, Sacombank, Eximbank, SeABank, LPBank, ABBank, KienlongBank và một loạt ngân hàng khác đều đã thay thế Tổng Giám đốc trong giai đoạn này.
Đáng chú ý, hiện nay chỉ còn duy nhất ông Jens Lottner tại Techcombank là CEO người nước ngoài trong nhóm ngân hàng niêm yết, cho thấy xu hướng trẻ hóa và nội địa hóa lãnh đạo đang ngày càng rõ nét.
Khi làn sóng chuyển giao lãnh đạo diễn ra ngày càng nhanh và mạnh, ba nữ CEO tại SHB, Bac A Bank và VietBank vẫn đang giữ vững vai trò điều hành ở những ngân hàng có chiến lược phát triển rõ ràng và hiệu quả tài chính tích cực. Trong một ngành vốn được xem là “lãnh địa” của nam giới, sự hiện diện của những "bóng hồng" này không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn là minh chứng cho năng lực lãnh đạo vững vàng, bản lĩnh và tầm nhìn dài hạn.