Trước những rủi ro từ biện pháp thuế quan của Hoa Kỳ, UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản kiến nghị gửi Chính phủ và Bộ Công Thương, đề xuất một loạt giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động và ổn định sản xuất.
Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai, với kim ngạch năm 2024 đạt hơn 7,65 tỷ USD, chiếm 32% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Các mặt hàng chủ lực bao gồm: Giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị phụ tùng, hàng dệt may.
Dù Mỹ chưa áp dụng thuế đối ứng ở mức cao nhất (46%), nhưng nhiều mặt hàng từng được miễn thuế – đặc biệt là gỗ nay đang phải chịu thuế 10%, gây ảnh hưởng lớn đến ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Các lĩnh vực liên quan như thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh cũng đang chịu sức ép đáng kể.
![]() |
Xuất khẩu gỗ là một trong các ngành chịu ảnh hưởng lớn do thuế quan Mỹ |
Một khảo sát sơ bộ của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho thấy, 95% trong tổng số 137 doanh nghiệp được khảo sát xác nhận thuế đối ứng từ Hoa Kỳ gây tác động tiêu cực diện rộng, bao gồm: giảm đơn hàng, tăng chi phí sản xuất, nguy cơ thu hẹp quy mô hoạt động, ảnh hưởng đến việc làm và làm giảm sức hấp dẫn đầu tư vào tỉnh.
Trước tình hình này, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương xem xét kiến nghị của Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai về việc giảm thuế suất nhập khẩu gỗ xẻ từ 25% xuống 0% khi nhập khẩu từ các thị trường khác, nhằm giảm chi phí nguyên liệu cho doanh nghiệp.
Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan thực hiện các cam kết với Hoa Kỳ để có thể đạt được thỏa thuận trì hoãn áp thuế, đồng thời xử lý các rào cản thương mại, kỹ thuật mà phía Hoa Kỳ đang quan ngại.
Đối với chính sách trong nước, Đồng Nai đề xuất Chính phủ xem xét các biện pháp hỗ trợ thuế như: Giảm tiền thuê đất; gia hạn thời gian nộp thuế các loại; giảm thuế suất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những ngành đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế đối ứng của Hoa Kỳ.
Tỉnh cũng kêu gọi Bộ Công Thương tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực tiềm năng như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN.... Cùng với đó là đề xuất sớm ban hành các chính sách ưu đãi cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển và mở thị trường mới.
Bộ Công Thương cần tham mưu Chính phủ bổ sung, hoàn thiện Nghị định về chính sách khuyến công, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số – nhằm tăng khả năng thích ứng trong bối cảnh thị trường thế giới biến động.
Đồng Nai hiện là một trong những địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Theo thống kê năm 2024, tỉnh nằm trong top 5 GRDP lớn nhất, chỉ sau TP. HCM, Hà Nội, Bình Dương và Hải Phòng. GRDP của tỉnh (theo giá so sánh 2010) đạt hơn 260.200 tỷ đồng, tăng 8,02% so với cùng kỳ năm trước – vượt xa mục tiêu đề ra từ 6,5–7% và cao hơn mức tăng 5,41% của năm 2023. Ngoài ra, GRDP bình quân đầu người tại Đồng Nai ước đạt 148,94 triệu đồng, cũng vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (148 triệu đồng/người).