Ngày 21/5/2025, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Hợp tác Việt Nam – Ấn Độ trong lĩnh vực gỗ và nội thất”.

Sự kiện nhằm tăng cường kết nối thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước, đồng thời cung cấp thông tin cập nhật về chính sách và quy định của thị trường Ấn Độ. Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội ngành hàng và tổ chức xúc tiến thương mại từ cả hai quốc gia.

Giữa căng thẳng thuế quan, doanh nghiệp gỗ Việt được Bộ Công Thương mở đường vào thị trường 27 tỷ USD
Hình ảnh tại hội thảo. Nguồn: moit.gov.vn

Phát biểu khai mạc, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, khẳng định tiềm năng hợp tác lớn trong ngành gỗ và nội thất giữa hai nước.

Việt Nam hiện nằm trong nhóm năm quốc gia xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu thế giới, với lợi thế về năng lực sản xuất, lực lượng lao động lành nghề và chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Trong khi đó, Ấn Độ sở hữu thị trường tiêu dùng rộng lớn, dân số đông, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng cùng nhu cầu cao về nội thất chất lượng.

Hai nước có thể bổ trợ lẫn nhau: Việt Nam cung cấp sản phẩm và thiết kế; Ấn Độ là thị trường tiêu thụ và hợp tác đầu tư.

Ông Rajesh Bhagat, Chủ tịch Worldex India – đơn vị tổ chức triển lãm WOFX (World Furniture Expo), đánh giá cao nỗ lực của Thương vụ trong việc kết nối doanh nghiệp.

Ông cho biết thị trường nội thất Ấn Độ hiện xếp thứ tư thế giới, phát triển nhanh chóng nhờ xu hướng chuyển dịch từ gia đình hạt nhân sang đa thế hệ (tăng từ 37% năm 2008 lên 50% năm 2022), kéo theo nhu cầu lớn về nội thất cá nhân hóa và tiện lợi – một cơ hội rõ rệt cho doanh nghiệp hai nước hợp tác.

Về mặt chính sách, ông Alok Kumar Sinha – Giám đốc công ty kiểm toán BSR – chia sẻ rằng thị trường nội thất Ấn Độ đạt quy mô 27 tỷ USD vào năm 2024, lớn thứ tư toàn cầu và đứng thứ hai trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Động lực tăng trưởng đến từ sự phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, quá trình đô thị hóa, lực lượng dân số trẻ, tầng lớp trung lưu và ngành du lịch – khách sạn.

Hội thảo đã mang lại nhiều thông tin thực tiễn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược sản phẩm và kênh phân phối tại thị trường Ấn Độ. Các doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng nội dung chương trình và bày tỏ mong muốn Thương vụ tiếp tục tổ chức thêm các hội thảo chuyên sâu về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình kiểm định, chứng nhận BIS cũng như thiết lập mạng lưới phân phối.

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khẳng định sẽ duy trì tổ chức các hoạt động tương tự nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỷ USD vào năm 2030, theo định hướng từ chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Các doanh nghiệp quan tâm được khuyến khích tích cực tham gia các sự kiện sắp tới để tận dụng cơ hội hợp tác trong lĩnh vực gỗ và nội thất.

Sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp mức thuế đối ứng với nhiều nước trên thế giới, trong đó thuế dành riêng cho hàng hóa từ Việt Nam lên tới 46%.

Tuy nhiên, sau đó, phía Mỹ thông báo tạm hoãn áp dụng mức thuế đối ứng trong vòng 90 ngày, mở cơ hội đàm phán với các quốc gia có thâm hụt thương mại với Mỹ, trong đó có Việt Nam.