Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) mới đây thông báo sẽ tiếp nhận bình luận từ các bên liên quan về phương án thay thế phép thử Cohen's d — công cụ thống kê từng được sử dụng hơn 10 năm qua để phân tích mô hình giá xuất khẩu trong các cuộc điều tra chống bán phá giá.

Thông báo này được đưa ra sau khi Tòa Phúc thẩm Liên bang phán quyết rằng việc sử dụng phép thử Cohen’s d là không hợp lý do không đáp ứng các điều kiện thống kê như: Cơ sở dữ liệu không đủ lớn, không đảm bảo phân phối chuẩn và phương sai đồng nhất. Đây là những yêu cầu thiết yếu khi vận dụng phân tích định lượng trong điều tra thương mại.

DOC đang tìm kiếm ý kiến góp ý về phương án thay thế phép thử này nhằm đáp ứng mục 777A(d)(1)(B)(i) của Đạo luật Thuế quan năm 1930 (sửa đổi) – trong đó yêu cầu xác định “có hay không tồn tại mô hình giá xuất khẩu khác biệt đáng kể giữa các nhóm người mua, vùng địa lý hoặc khoảng thời gian cụ thể”.

Do đó, DOC tổ chức lấy ý kiến công khai về phương án thay thế việc sử dụng phép thử Cohen's d nêu trên.

Thời hạn tiếp nhận bình luận từ tất cả các tổ chức, cá nhân quan tâm là trước ngày 30 tháng 5 năm 2025, thông qua phương thức trực tuyến và gửi bưu điện.

Tại Việt Nam, mọi thông tin chi tiết liên hệ Phòng xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài - Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương. Chuyên viên phụ trách là ông Bùi Anh Dũng.

Sau 10 năm sử dụng, Hoa Kỳ lần đầu xem xét thay thế phép thử Cohen’s d trong điều tra chống bán phá giá

Trong các vụ điều tra chống bán phá giá, DOC sử dụng một chuỗi quy trình kỹ thuật để xác định liệu có sự định giá phân biệt giữa các nhóm giao dịch hay không. Trọng tâm là phép thử Cohen’s d, một công cụ thống kê nhằm đo lường mức độ khác biệt về giá.

DOC sử dụng phép thử Cohen’s d để xác định xem có sự khác biệt đáng kể về giá giữa các nhóm giao dịch xuất khẩu của doanh nghiệp bị điều tra hay không. Các nhóm được so sánh có thể theo người mua khác nhau, vùng địa lý khác nhau, hoặc khoảng thời gian khác nhau.

Nếu DOC kết quả cho thấy giao dịch xuất khẩu của doanh nghiệp bị điều tra có hệ số Cohen’s d cao chiếm tỷ lệ lớn thì có tồn tại nhóm giao dịch xuất khẩu có sự khác biệt đáng kể về giá của doanh nghiệp đó.

Nếu kết quả cho thấy hệ số Cohen’s d cao hơn và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giao dịch, DOC xác định có dấu hiệu định giá phân biệt giữa các nhóm.

Tiếp đó, DOC sử dụng phép thử tỷ lệ “ratio test” để đánh giá sự khác biệt đáng kể về giá đối với tất cả các giao dịch đã qua phép thử Cohen’s d và làm cơ sở để DOC quyết định phương pháp so sánh được sử dụng để tính toán biên độ bán phá giá.

Nếu cả hai phép thử trên cho thấy có tồn tại định giá phân biệt, DOC sẽ xác định liệu việc áp dụng phương pháp WA-T có tạo ra sự khác biệt đáng kể so với phương pháp WA-WA (so sánh trung bình với trung bình).

Cách tiếp cận ba bước này giúp DOC xác định chính xác và có căn cứ pháp lý về hành vi bán phá giá mang tính hệ thống.

DOC lần đầu tiên áp dụng phương pháp định giá phân biệt (Differential pricing) vào tháng 3/2013 trong vụ việc điều tra CBPG sản phẩm Xanthan Gum nhập khẩu từ Trung Quốc và Áo. Theo đó, thay vì sử dụng “phép thử Nails” (Nails test), DOC đã áp dụng 2 phép thử mới là Cohen’s d và Ratio test.

Đến nay, đã hơn chục năm sử dụng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng vấp phải nhiều phản ứng từ phía doanh nghiệp và các nước xuất khẩu, đặc biệt là liên quan đến độ tin cậy thống kê của Cohen’s d – vốn không được thiết kế cho dữ liệu kinh tế có mẫu nhỏ hoặc không phân phối chuẩn.