Sắp gỡ vướng cho 2.200 dự án quy mô 235 tỷ USD: Novaland, Đất Xanh, Nam Long kỳ vọng bứt tốc
Bán đảo Thủ Thiêm hiện tập trung nhiều dự án của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặt trọng tâm vào mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên. Theo kế hoạch, quy mô nền kinh tế sẽ vượt mốc 500 tỷ USD (dự kiến xếp thứ 30 toàn cầu), còn GDP bình quân đầu người đạt trên 5.000 USD.

Chính phủ đánh giá đây là mục tiêu nhiều thách thức, đòi hỏi đồng bộ các giải pháp điều hành tài khóa – tiền tệ. Ngoài yêu cầu kiểm soát nợ xấu ngân hàng (hiện đã vượt 4%) và giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công năm 2025, một nội dung quan trọng là tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để khơi thông dòng vốn và thúc đẩy hoạt động đầu tư.

Báo cáo cho biết, Chính phủ đã hoàn tất rà soát và đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ khó khăn cho hơn 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương 235 tỷ USD) và tổng diện tích sử dụng đất khoảng 347.000ha. Thời gian quan, nhiều dự án lớn đã được tập trung xử lý như Aqua City, Novaworld Phan Thiết, Thủ Thiêm; một số dự án của Nam Long, DIC Corp, Đất Xanh... tại Phân khu C4, TP. Biên Hòa (Đồng Nai)...

Ủy ban Kinh tế và Tài chính ủng hộ chủ trương này nhưng yêu cầu Chính phủ báo cáo cụ thể và có hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Cơ quan này cũng cảnh báo tiến độ xử lý vướng mắc cho thị trường bất động sản còn chậm, trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản năm 2025 lên tới hơn 130.000 tỷ đồng, chiếm 64% tổng giá trị đáo hạn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp chủ động xử lý những tồn đọng nội tại, đặc biệt là bài toán hàng tồn kho đang ngày càng nghiêm trọng.

Tính đến hết quý I/2025, Novaland (NVL) là doanh nghiệp có lượng tồn kho lớn nhất thị trường, đạt 148.638 tỷ đồng, trong đó 95% là bất động sản đang xây dựng. Hơn 60.000 tỷ đồng trong số này đã được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng, phản ánh sự phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính.

Một loạt doanh nghiệp lớn cũng ghi nhận hàng tồn kho ở mức cao: Nam Long (NLG) 17.542 tỷ đồng, Phát Đạt (PDR) 14.037 tỷ, Đất Xanh (DXG) 13.386 tỷ, Kinh Bắc (KBC) tăng 46% lên 20.277 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hơn 90% giá trị tồn kho tập trung vào phân khúc trung – cao cấp, với giá bình quân khoảng 90 triệu đồng/m², vượt xa khả năng chi trả của phần lớn người dân. Phân khúc bình dân chỉ chiếm khoảng 10% nhưng lại có giá bán từ 3 tỷ đồng/căn trở lên, làm giảm đáng kể khả năng hấp thụ của thị trường.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), tồn kho hiện tại chủ yếu bắt nguồn từ thanh khoản thấp và những vướng mắc kéo dài về pháp lý. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc khơi thông nguồn cung và cải thiện khả năng tiếp cận nhà ở sẽ phụ thuộc vào tốc độ xử lý các rào cản pháp lý của Nhà nước.

Về triển vọng năm 2025, các chuyên gia kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi nếu 4 điều kiện được đảm bảo: Lực cầu thực duy trì ổn định, dòng tiền đầu tư quay trở lại, cải cách pháp lý được đẩy mạnh và mặt bằng lãi suất vay mua nhà tiếp tục duy trì ở mức hợp lý. Đây sẽ là các yếu tố quan trọng giúp giảm áp lực tồn kho và tái khởi động các dự án đang bị đình trệ.