Theo khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường NielsenIQ, tính đến tháng 4/2025, ShopeeFood và GrabFood đang nắm giữ lần lượt 56% và 36% thị phần đơn hàng. beFood – ứng dụng thuộc hệ sinh thái Be đứng thứ ba nhưng có cách biệt lớn, chỉ chiếm chưa đến 10%.

Theo NielsenIQ, tỷ lệ thị phần được xác định dựa trên số đơn hàng đặt trong vòng 7 ngày khảo sát vào tháng 4. Tính riêng theo khu vực, ShopeeFood dẫn đầu với 63% tổng số đơn hàng trong giai đoạn này.

Khảo sát của đơn vị nghiên cứu thị trường trực tuyến Decision Lab cũng củng cố thêm bức tranh, trong đó ShopeeFood và GrabFood chiếm gần như toàn bộ thị phần, đặc biệt với nhóm người dùng trung thành. ShopeeFood thu hút giới trẻ với các món trà sữa, đồ ăn nhanh, ăn vặt. GrabFood được nhóm người dùng 35 tuổi trở lên ưa chuộng nhờ thực đơn “đầy đủ” hơn như cơm, hải sản, thực phẩm lành mạnh.

Về khu vực hoạt động, ShopeeFood chiếm ưu thế tại Hà Nội với 56%, trong khi GrabFood thống trị TP. HCM với 50%. Tại Đà Nẵng, hai nền tảng gần như chi phối toàn bộ thị trường. Trong khi đó, beFood có dấu hiệu kinh doanh khả quan nhất tại TP. HCM.

Xanh SM nhảy vào sân chơi mà GrabFoob, ShopeeFood chiếm 90% thị phần: Miếng bánh 2,8 tỷ USD có được chia lại?
GrabFood, ShopeeFood chiếm 90% thị phần giao đồ ăn

Theo Statista (Đức), quy mô thị trường giao đồ ăn Việt Nam hiện đạt 2,8 tỷ USD, dự kiến tăng trưởng đều 9,34% mỗi năm, chạm mốc 4,4 tỷ USD vào năm 2030. Đây là “miếng bánh” không thể bỏ qua với bất kỳ nền tảng công nghệ nào.

Dù giàu tiềm năng, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt suốt thời gian qua. Nhiều tên tuổi lớn đã phải rút lui khỏi thị trường như Baemin, Gojek, Loship.

Ngược lại xu hướng đó, ngày 16/6 vừa qua, Xanh SM Ngon – dịch vụ giao đồ ăn thuộc hệ sinh thái GSM chính thức ra mắt tại Hà Nội, đánh dấu bước chuyển mình chiến lược của thương hiệu Xanh SM sau khi đã chiếm lĩnh thị trường gọi xe ô tô điện. GSM cho biết nền tảng đã bắt tay với hơn 2.000 nhà hàng đối tác được tuyển chọn, tập trung vào yếu tố chất lượng và an toàn thực phẩm.

Không chỉ đầu tư vào mạng lưới đối tác, Xanh SM Ngon tung loạt ưu đãi tài chính “sâu”, nhằm thu hút người dùng mới: Giảm giá trực tiếp từ 20.000 đến 90.000 đồng cho đơn hàng; mã giảm giá theo giờ vàng; ưu đãi thêm 15.000-30.000 đồng nếu thanh toán bằng ví điện tử hoặc thẻ ngân hàng liên kết...

Động thái này cho thấy Xanh SM không chỉ muốn chen chân vào thị trường, mà còn định vị lại cách người dùng đánh giá một dịch vụ giao đồ ăn.

Xanh SM không phải tay chơi hoàn toàn mới trên thị trường. Trước đó, hãng đã tạo dấu ấn khi vượt qua Grab và trở thành thương hiệu dẫn đầu thị phần gọi xe bốn bánh tại Việt Nam (số liệu từ Mordor Intelligence quý I/2025). Ngoài ra, hãng cũng mạnh mẽ mở rộng sang các thị trường quốc tế như Lào, Indonesia, Philippines.

Sự gia nhập của Xanh SM Ngon có thể chưa lập tức làm lung lay vị thế của ShopeeFood và GrabFood, nhưng chắc chắn sẽ đặt lại luật chơi, buộc các ông lớn phải điều chỉnh chiến lược, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chi phí vận hành leo thang và người dùng ngày càng khó tính.