Theo báo cáo mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council – WGC), các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) được đảm bảo bằng vàng đã ghi nhận dòng vốn ròng dương trong tháng 6/2025, sau khi bị rút vốn vào tháng trước. Nhờ đợt phục hồi này, dòng tiền ròng trong nửa đầu năm đã đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
WGC cho biết, tổng lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF trên toàn cầu trong tháng 6 tăng thêm 75 tấn, nâng tổng khối lượng lên 3.616 tấn – mức cao nhất trong 34 tháng. Về giá trị, các dòng vốn ròng đạt 7,6 tỷ USD, đưa tổng tài sản ròng (AUM) của các quỹ ETF vàng lên mức kỷ lục 382,8 tỷ USD.
Giá vàng thế giới trong tháng cũng ghi nhận đà tăng nhẹ khoảng 0,6%, lên mức trung bình khoảng 3.316 USD/ounce, hỗ trợ thêm cho giá trị tài sản các quỹ.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, tổng dòng vốn vào các ETF vàng đạt 38 tỷ USD – mức cao nhất kể từ nửa đầu năm 2020.
Trong đó, Bắc Mỹ dẫn đầu dòng vốn toàn cầu, ghi nhận mức tăng trưởng nửa đầu năm mạnh nhất trong 5 năm qua. Đáng chú ý, dòng vốn tại châu Âu cũng đã đảo chiều, chuyển sang dương sau chuỗi sụt giảm kéo dài từ nửa cuối năm 2022.
Châu Á cũng để lại dấu ấn rõ nét, khi chiếm 28% dòng tiền toàn cầu dù chỉ nắm 9% tổng tài sản ETF vàng, cho thấy sự bùng nổ quan tâm tại khu vực này.
Trong tháng 6 riêng lẻ, các quỹ ETF vàng tại Bắc Mỹ ghi nhận dòng tiền dương 44 tấn, tương đương 4,8 tỷ USD – mức cao nhất kể từ tháng 3 năm nay. Tổng lượng vàng nắm giữ tăng lên 1.857 tấn, tương ứng với AUM 196,3 tỷ USD.
![]() |
Nguồn: Forbes |
WGC nhận định, căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Israel và Iran đã khiến nhà đầu tư gia tăng nhu cầu tài sản trú ẩn như vàng. Đồng thời, lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát cao cũng góp phần hỗ trợ dòng vốn.
Tại châu Âu, dòng tiền dương 23 tấn (tương đương 2 tỷ USD) đã đưa tổng lượng vàng ETF tại khu vực này lên 1.367 tấn, với AUM đạt 144,4 tỷ USD.
Theo WGC, Anh là quốc gia dẫn đầu dòng vốn tháng 6, được thúc đẩy bởi quan điểm nới lỏng tiền tệ từ Ngân hàng Trung ương Anh, kết hợp với tăng trưởng yếu, lạm phát hạ nhiệt và thị trường lao động đang nguội dần – tất cả cùng làm tăng kỳ vọng cắt giảm lãi suất.
Ngoài ra, đợt cắt giảm lãi suất thứ 8 từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đóng vai trò tích cực trong việc kích thích nhu cầu vàng tại khu vực này.
Tại châu Á, các quỹ ghi nhận mức tăng 5 tấn vàng, nâng tổng lượng nắm giữ lên 321 tấn, với giá trị tài sản ròng đạt 34,5 tỷ USD.
Ấn Độ là thị trường dẫn đầu khu vực, được hỗ trợ bởi lo ngại địa chính trị tại Trung Đông. Trong khi đó, Nhật Bản ghi nhận tháng tăng thứ 9 liên tiếp do áp lực lạm phát gia tăng. Trung Quốc chỉ ghi nhận dòng tiền nhẹ, do tình hình thương mại ổn định hơn và giá vàng nội địa chững lại.
Ngoài ETF, nhu cầu mua vàng từ các ngân hàng trung ương toàn cầu cũng tăng mạnh. Theo WGC, trong tháng 5 vừa qua, tổng lượng mua vào đạt 20 tấn, tăng mạnh so với mức chỉ 12 tấn của tháng trước đó.
Theo Forbes