Tỷ lệ nợ xấu gia tăng của các ngân hàng trong quý 3 phản ánh chân thực nhất về những khó khăn trong nền kinh tế. Theo thống kê, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tăng 52% trong quý 3, trong đó một số ngân hàng thương mại thậm chí gia tăng tỷ lệ nợ xấu gấp 2 đến 3 lần gây lo ngại rủi ro của nền kinh tế.

Theo chuyên gia Phạm Xuân Hoè, nợ xấu gia tăng là điều tất yếu nhưng vấn đề là ở chỗ chúng ta ứng xử với nó như thế nào. "Không nên quá lo ngại về câu chuyện nợ xấu gia tăng nhưng cũng cần xem xét kỹ 4 yếu tố để có những ứng phó kịp thời", ông nói.

Thứ nhất, là câu chuyện trích lập dự phòng rủi ro và câu chuyện bao nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Tất nhiên tỷ lệ bao phủ nợ xấu mới chỉ dự phòng cho nợ xấu ở hiện tại chứ không phải toàn bộ nợ xấu trong tương lai.

Vì vậy, các ngân hàng phải gia tăng áp lực trích lập dự phòng rủi ro, điều này có thể làm các ngân hàng thương mại suy giảm rất lớn về lợi nhuận nhưng đây là điều đương nhiên. Để xử lý vấn đề này, NHNN cũng đã cho giãn thời gian ra trong hai năm, mỗi năm 50% làm giảm áp lực cho các ngân hàng.

Thứ hai, nợ xấu tăng lên thì rõ ràng cơ hội tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp sẽ mất đi. Bởi vì, khi doanh nghiệp có nợ xấu nhảy sang nhóm 3 thì theo quy định sẽ không được cấp tín dụng nữa. Câu chuyện này được NHNN tạm xử lý bằng Thông tư cho phép giãn hoãn nợ cho các doanh nghiệp. Nhưng nếu đã cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại nợ mà vẫn tiếp tục rơi vào nợ xấu thì buộc phải chấp nhận.

4 yếu tố cần lưu ý để ứng phó với nợ xấu:
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng.

Thứ ba là câu chuyện xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Tại kỳ họp thứ 6 lần này, Quốc hội có thể sẽ thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi, trong đó có một chương về vấn đề xử lý nợ xấu.

Theo chuyên gia, việc sửa đổi quy định về xử lý nợ xấu cần tăng cường hơn nữa quyền của chủ nợ. Các cơ quan quản lý cần phải vào cuộc, bởi vì bảo vệ hệ thống ngân hàng thương mại lành mạnh chính là bảo vệ sự lành mạnh, phát triển của nền kinh tế.

"Nếu chúng ta không ủng hộ các ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu thì sẽ rất khó để họ có nguồn tiền quay trở lại để tiếp tục cho vay", ông Hoè nói.

Thứ tư, cần phải hình thành thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam một cách minh bạch và phải chấp nhận nguyên tắc thị trường một cách đơn giản.

"Ví dụ khoản nợ 1 tỷ đồng, đã thu nợ được 300 triệu đồng, trích lập dự phòng rủi ro được 350 triệu thì có thể bán khoản nợ với giá 350 triệu đồng. Đây là mức giá bình thường để xử lý nợ xấu. Như vậy, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế họ nhìn thấy cơ hội phục hồi từ việc tăng giá tài sản thì họ mới tham gia", ông Hoè lấy ví dụ.

Theo ông, cần cho hành lang pháp lý đối với câu chuyện mua bán nợ xấu, tạo động lực cho thị trường phát triển. Thêm nữa, dịch vụ đòi nợ thuê cần minh bạch và được kiểm soát. Các dịch vụ mua bán nợ, đòi nợ thuê cần được phát triển một cách chuyên nghiệp dựa theo các hành lang pháp lý của Chính phủ để hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong xử lý nợ xấu.