Dưới đây là 5 ngành học dễ xin việc, ít cạnh tranh nhưng không nhiều người lựa chọn.

Khoa học sự sống – Nền tảng cho các ngành y tế, nông nghiệp, thực phẩm

Khoa học sự sống, hay còn gọi là khoa học đời sống, là lĩnh vực nghiên cứu về sinh vật sống và các vấn đề liên quan như di truyền, sinh hóa, đạo đức sinh học... Đây là ngành đóng vai trò nền tảng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế, dược phẩm, nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm.

Một số chuyên ngành nổi bật gồm: Hóa sinh, Tin sinh học, Giải phẫu học, Khoa học thần kinh cảm xúc, Cơ sinh học, Sinh học vũ trụ, Kiểm soát sinh học...

Theo khảo sát, nhu cầu về nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành này là rất lớn, với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, việc tuyển sinh vào các ngành này lại gặp nhiều khó khăn, do ít người lựa chọn.

5 ngành học dễ xin việc, ít cạnh tranh: Cơ hội nghề nghiệp rộng mở, thu nhập hấp dẫn
Khoa học sự sống – Nền tảng cho các ngành y tế, nông nghiệp, thực phẩm - Ảnh minh họa

Công nghệ Hàn – Nghề kỹ thuật “lên ngôi” trong thời đại công nghiệp hóa

Công nghệ Hàn là một ngành học trọng điểm trong lĩnh vực cơ khí, với ứng dụng rộng rãi trong xây dựng, sản xuất và lắp ráp công nghiệp.

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các nhà máy đóng tàu, nhà máy sản xuất ô tô, công trình thủy điện, hệ thống dẫn dầu..., hoặc lựa chọn xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức – nơi ngành này rất được trọng dụng.

Mức lương trong nước dao động từ 10 – 20 triệu đồng/tháng, còn khi làm việc tại nước ngoài, con số này có thể lên đến 60 – 100 triệu đồng/tháng.

Công nghệ kỹ thuật hạt nhân – Ngành học đặc thù, lương cao nhưng thiếu nhân lực

Công nghệ kỹ thuật hạt nhân là một ngành đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất năng lượng, y học, nông nghiệp, môi trường.

Ngành này hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực có chuyên môn, đặc biệt trong y tế hạt nhân, nơi cần những kỹ sư có khả năng vận hành thiết bị hiện đại như máy gia tốc, xạ trị, chẩn đoán hình ảnh...

Cử nhân ngành kỹ thuật hạt nhân có thể làm việc tại viện nghiên cứu, bệnh viện, nhà máy điện hạt nhân, hoặc tại các trung tâm ứng dụng công nghệ cao.

Mức lương trong ngành dao động từ 15 – 40 triệu đồng/tháng, và có thể đạt tới 100 triệu đồng ở các vị trí quản lý, đặc biệt khi làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài.

Công nghệ chế biến thủy sản – Góp phần vào ngành xuất khẩu tỷ đô

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Do đó, nhu cầu về nhân lực trong ngành Công nghệ chế biến thủy sản luôn ở mức cao.

Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể đảm nhận nhiều vị trí như: Cán bộ kỹ thuật trong các nhà máy đông lạnh, chế biến đồ hộp, nước mắm, bột cá, sản phẩm xuất khẩu giá trị gia tăng...

Ngoài ra, còn có thể làm việc tại các cơ quan phân tích, kiểm định chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Mức lương trong ngành này cũng rất hấp dẫn, có khả năng đạt tới vài chục triệu đồng nếu có năng lực và kinh nghiệm.

5 ngành học dễ xin việc, ít cạnh tranh: Cơ hội nghề nghiệp rộng mở, thu nhập hấp dẫn
Nhu cầu về nhân lực trong ngành Công nghệ chế biến thủy sản luôn ở mức cao - Ảnh minh họa

Kỹ thuật Máy lạnh và Điều hòa không khí – Ngành học thực tiễn, cơ hội nghề nghiệp rộng mở

Trong bối cảnh thời tiết ngày càng khắc nghiệt và các tòa nhà, văn phòng, khu dân cư mọc lên ngày một nhiều, nhu cầu về thiết bị điều hòa và máy lạnh tăng mạnh. Do đó, ngành Kỹ thuật Máy lạnh và Điều hòa không khí đang trở thành một trong những ngành học mang lại cơ hội việc làm ổn định, lâu dài.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc ở các vị trí như: Kỹ thuật viên lắp đặt, bảo trì, kỹ sư thiết kế hệ thống lạnh, chuyên viên tư vấn..., hoặc trở thành giảng viên, chuyên gia nghiên cứu công nghệ điện lạnh.

Mức lương khởi điểm trung bình khoảng 7 – 10 triệu đồng/tháng, tuy nhiên, với các vị trí thiết kế kỹ thuật hoặc quản lý, mức lương có thể vượt 30 triệu đồng/tháng.