Tại các khu chợ truyền thống, siêu thị, hay quán ăn bình dân ở Việt Nam, không khó để nhận thấy sự hiện diện áp đảo của thịt lợn trong các gian hàng. Dù giá có phần tăng trong thời gian gần đây, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn vẫn không hề suy giảm – một hiện tượng phản ánh rõ nét đặc trưng ẩm thực và thói quen tiêu dùng của người Việt.

Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, sản lượng thịt lợn hơi tại Việt Nam đạt xấp xỉ 5,2 triệu tấn, chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng toàn cầu. Cùng với đó, mức tiêu thụ bình quân đầu người ước đạt 37,04 kg/năm, tăng đều đặn so với các năm trước (30 kg vào năm 2021, 32 kg năm 2022 và 33,8 kg năm 2023).

Chính những con số này đã đưa Việt Nam từ vị trí thứ 6 lên thứ 4 toàn cầu về tiêu thụ thịt lợn, chỉ xếp sau Trung Quốc, EU và Mỹ.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, có nhiều lý do khiến thịt lợn vẫn giữ vị trí “ngôi vương” trong cơ cấu thực phẩm của người Việt. Trước hết là yếu tố văn hóa và thói quen lâu đời. “Dù đã ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm khác, tôi vẫn không bỏ được thịt lợn vì dễ chế biến, hợp khẩu vị, có thể dùng trong mọi bữa ăn từ ngày thường đến dịp lễ tết”, ông Dương chia sẻ.

Loại thịt người Việt 'nghiện' tới mức lọt top ăn nhiều nhất thế giới
Người Việt ăn nhiều thịt lợn thứ 4 thế giới. Ảnh: TTXVN

Thịt lợn cũng là nguyên liệu tạo nên vô số món ăn quen thuộc trong đời sống hàng ngày như thịt luộc, thịt kho tàu, giò chả, sườn nướng, cháo sườn hay các món cao cấp hơn như lợn quay, thịt đông... Không chỉ ngon miệng, các món từ thịt lợn còn dễ kết hợp nguyên liệu, nấu nhanh và bảo quản tiện lợi – yếu tố quan trọng trong nhịp sống hiện đại.

Không chỉ dừng lại ở yếu tố khẩu vị, thịt lợn còn được nhiều chuyên gia đánh giá là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, giàu protein, vitamin nhóm B và các khoáng chất thiết yếu. Đặc biệt, phần nạc vai, thăn hay sườn non nếu được chế biến đúng cách hoàn toàn phù hợp cho cả người lớn tuổi, trẻ nhỏ và người cần phục hồi sức khỏe.

Ngoài ra, về mặt kinh tế, thịt lợn vẫn được coi là loại thịt đỏ có giá thành phải chăng nhất so với bò, dê hoặc hải sản. Tính phổ biến của nó trong các chuỗi cung ứng, từ trang trại đến bàn ăn, cũng giúp giảm chi phí vận chuyển, bảo quản – một lợi thế đáng kể trong bối cảnh giá cả thực phẩm toàn cầu biến động mạnh.

Dù thịt lợn vẫn giữ vị trí chủ đạo, các chuyên gia cũng nhận thấy sự dịch chuyển âm thầm trong khẩu vị người tiêu dùng. Theo đầu bếp, lương y Nguyễn Minh Tiến – nhà đồng sáng lập Sense Food Lab, ngày càng nhiều người quan tâm đến sức khỏe đang ưu tiên các loại thịt ít béo như gà, cá, hoặc các sản phẩm thực vật thay thế.

Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng sự thay đổi sẽ diễn ra từ từ. Thịt lợn vẫn là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Sự thay thế, nếu có, sẽ không triệt để mà theo hướng bổ sung và làm phong phú thêm thực đơn hàng ngày.