Bộ Nội vụ đã đề xuất các quy định về tổ chức hoạt động chính quyền địa phương hai cấp theo hướng sau khi giải thể cấp huyện thì chính quyền địa phương cấp xã ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện.
Theo đó, chính quyền địa phương cấp xã sẽ được trao nhiều quyền hạn hơn; tổ chức bộ máy và chế độ công chức, công vụ sẽ được đổi mới, đảm bảo được yêu cầu, nhiệm vụ.
Đồng thời, các thủ tục hành chính trước đây được thực hiện ở cấp huyện sẽ được chuyển về cấp xã trực tiếp thực hiện.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nói: “Vì vậy phải chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đơn giản hóa quy trình thủ tục, rút ngắn thời gian thủ tục hành chính phục vụ cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn".
Bên cạnh đó, tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết sau khi bỏ cấp huyện, một số cán bộ huyện hoặc có thể từ tỉnh sẽ về xã; các nhiệm vụ, quyền hạn của huyện cơ bản chuyển về xã.
![]() |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn tại họp báo chiều 6/4. Ảnh: Nhật Bắc |
Ông Sơn nói: “Các thủ tục hành chính trước đây liên quan đến người dân, doanh nghiệp cấp huyện được chuyển về cấp xã để giải quyết. Trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương cấp xã sắp tới, có một trung tâm phục vụ hành chính công để giải quyết các thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, bao gồm các ứng dụng công nghệ thông tin liên quan để giải quyết thỏa đáng cho người dân, doanh nghiệp”.
Trước đó, trao đổi với báo điện tử Chính phủ, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đã tham mưu, xây dựng và hoàn thiện dự thảo mới nhất về Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính, đồng thời gửi xin ý kiến các địa phương. Trong đó, dự kiến sáp nhập tổng số 10.035 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay còn khoảng 5.000 đơn vị.
Đại diện Bộ Nội vụ thông tin: “So với dự thảo ban đầu, tiêu chí sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã có một số điều chỉnh để phù hợp với chỉ đạo cấp trên và tình hình thực tế”.
Bên cạnh đó, tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, dự kiến cơ cấu lại bộ máy tổ chức hành chính 3 cấp gồm: cấp trung ương, cấp tỉnh, thành phố và cấp xã, phường.
Theo Tổng Bí thư, qua tham khảo trên thế giới thì có khoảng 80% các nước có mô hình chính quyền 3 cấp. Trong quá trình tổ chức mô hình 3 cấp sẽ có những vấn đề rất mới trong tư duy, chỉ đạo, thực hiện.
Tổng Bí thư cho biết thêm, với mô hình chính quyền 3 cấp thì cấp xã là cấp quan trọng nhất, rất khác so với hiện nay. Theo Tổng Bí thư, với mô hình 4 cấp như hiện nay thì cấp xã chủ yếu giải quyết các công việc hành chính mà không được phân cấp, phân quyền để lo về kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, mà những việc này giao cho huyện, tỉnh lo.
Do vậy những yêu cầu đặt ra ở cấp xã trong mô hình mới sẽ rất lớn, khi cấp xã sẽ giải quyết được hầu hết các thủ tục của dân.