Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên năm 2025 và kỳ vọng khởi động Trung tâm Tài chính Quốc tế (TTTC) tại TP.HCM và Đà Nẵng từ năm 2026, việc chuẩn hóa Basel III đang trở thành điều kiện “tiên quyết” để các ngân hàng thương mại chuyển mình từ “người gác vốn” sang “kiến trúc sư của tăng trưởng”.

Basel III không đơn thuần là bộ khung kỹ thuật do Ủy ban Basel (BCBS) xây dựng, mà là tấm hộ chiếu để ngân hàng Việt chính danh bước vào sân chơi toàn cầu, nơi dòng vốn và niềm tin được định hình bằng minh bạch, quản trị và sức chống chịu.

Ngành ngân hàng bước vào ‘cuộc đua’ Basel III: Vì sao tăng vốn lại cấp bách đến vậy?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Basel III – Chìa khóa mở cửa sân chơi lớn

Basel III yêu cầu hệ số an toàn vốn (CAR) tối thiểu đạt 10,5%, bao gồm 8% vốn cơ bản và 2,5% bộ đệm vốn; tỷ lệ đòn bẩy không thấp hơn 3%; cùng các tỷ lệ thanh khoản ngắn hạn (LCR) và dài hạn (NSFR) đều phải từ 100% trở lên.

Bộ tiêu chuẩn này không chỉ nhằm gia cố khả năng chống sốc của hệ thống ngân hàng, mà còn hướng đến chuẩn hóa toàn diện quản trị rủi ro và công bố thông tin minh bạch (Pillar 3), đặc biệt thông qua mô hình xếp hạng nội bộ (IRB).

Theo Dự thảo Thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố từ tháng 11/2024, các ngân hàng thương mại buộc phải đạt tối thiểu 10,5% CAR vào năm 2033 – cao hơn mức 8% hiện hành. Dù thời hạn còn xa, nhưng áp lực hội nhập và nhu cầu mở rộng tín dụng đang khiến nhiều nhà băng chủ động “chạy trước”, thậm chí tăng vốn cấp tập ngay từ năm 2025.

Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: “Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi rất sát diễn biến thị trường để điều hành các công cụ, giải pháp với thời điểm và liều lượng hợp lý, đặc biệt cân nhắc hài hòa sự đánh đổi tỷ giá với mục tiêu giảm lãi suất”. Theo Thống đốc, việc nâng cao năng lực vốn là điều kiện tiên quyết để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và giữ đà tăng trưởng GDP tối thiểu 8% trong năm nay.

Thống kê cho thấy chỉ khoảng 10 ngân hàng hiện đang áp dụng Basel III tương đối đầy đủ, gồm: TPBank, ACB, LPBank, VIB, SeABank, HDBank, Nam A Bank, Vietcombank, BIDV và Agribank. Các ngân hàng này đang triển khai các mô hình vốn nội bộ, chuẩn hóa công bố thông tin theo Pillar 3 và từng bước hướng tới quản trị theo chuẩn quốc tế, đặt nền móng cho sự hiện diện dài hạn tại các TTTC quốc tế.

Tăng vốn – Bước nhảy vọt cho tín dụng và chuyển đổi số

Quý I/2025 chứng kiến tín dụng toàn hệ thống tăng 3,93%, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2024. Riêng tuần cuối tháng 3, tín dụng tăng thêm 1,5 điểm phần trăm – phản ánh rõ dòng vốn đang được khơi thông mạnh mẽ. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16,4% – tương đương khoảng 2,5 triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế – các ngân hàng phải gấp rút củng cố CAR để không bị “đuối vốn”.

Hàng loạt ngân hàng vừa và nhỏ đang triển khai kế hoạch tăng vốn quy mô lớn. Vietbank dự kiến nâng vốn từ 7.139 tỷ lên 10.920 tỷ đồng qua hai đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, đợt đầu 1.071 tỷ và đợt sau 2.709 tỷ đồng. Saigonbank dự kiến phát hành gần 34 triệu cổ phiếu, tăng vốn lên 3.727 tỷ đồng. BVBank chào bán gần 69 triệu cổ phiếu, dự kiến thu về 700 tỷ đồng, nâng vốn lên hơn 6.200 tỷ đồng. Nam A Bank nâng vốn lên 18.007 tỷ đồng – cao nhất trong nhóm ngân hàng quy mô vừa – giúp hệ số CAR đạt 13,77%. Bac A Bank cũng lên kế hoạch tăng thêm 3.392 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên trên 12.350 tỷ đồng, tương đương mức tăng 37,86%.

Toàn bộ nguồn vốn tăng thêm này không chỉ bổ sung cho dư địa tín dụng, mà còn đổ vào tài sản cố định, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống ngân hàng lõi (core banking), trí tuệ nhân tạo và big data – những “xương sống” cho chiến lược chuyển đổi số, đặc biệt khi các ngân hàng bước vào cuộc chơi tại TTTC từ năm 2026.

Minh bạch và quản trị – Chất keo kết dính lòng tin

Basel III đề cao vai trò minh bạch như một “hộ chiếu niềm tin” để ngân hàng có thể đi xa. Pillar 3 yêu cầu ngân hàng công bố công khai và định kỳ các chỉ tiêu về vốn, nợ xấu, thanh khoản, danh mục rủi ro, mô hình định lượng và biện pháp kiểm soát. Các ngân hàng tiên phong như TPBank, VIB, ACB, SeABank, LPBank đang dẫn đầu xu hướng minh bạch hóa thông tin và quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế.

Theo khảo sát của Vụ Dự báo – Thống kê NHNN, có tới 74–76% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế trong quý II/2025 sẽ tăng so với quý trước, ROE trung bình dự kiến đạt 12–14%, trong khi NIM ổn định ở mức 3,1–3,3%. Biên lợi nhuận không còn là động lực chính, mà kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ là “con ngựa kéo doanh thu” trong năm nay.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Hoàng Anh (Đại học Ngân hàng TP.HCM), việc triển khai toàn diện Basel III tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Nguyên nhân đến từ yêu cầu kỹ thuật phức tạp, đầu tư công nghệ lớn và thách thức thay đổi tư duy vận hành. Ông đề xuất cần có sự đồng hành từ NHNN, Bộ Tài chính và các tổ chức quốc tế như IMF, World Bank để hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi thể chế ngân hàng.

Nợ xấu và Basel III – Bức tường chắn giông bão

Tính đến cuối năm 2024, nợ xấu toàn hệ thống đạt 733.904 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2023. Các ngân hàng như VPBank (4,2%), VIB (3,51%), OCB (4,02%), ABBank (3,74%), BVBank (3,21%) ghi nhận tỷ lệ nợ xấu cao. Trong khi đó, MSB, Vietbank, ACB giữ dưới 3%, còn Bac A Bank đặt mục tiêu chỉ 1,5% trong năm 2025.

Tăng vốn giúp ngân hàng “chống sốc” nợ xấu bằng cách tăng trích lập dự phòng mà không ảnh hưởng đến lợi nhuận. Đồng thời, đây cũng là yếu tố then chốt trong đánh giá mức độ sẵn sàng sáp nhập, hợp nhất hoặc chuyển đổi sang ngân hàng số – những điều kiện không thể thiếu trong cấu trúc TTTC tương lai.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi rất sát diễn biến thị trường để điều hành các công cụ, giải pháp với thời điểm và liều lượng hợp lý, đặc biệt cân nhắc hài hoà sự đánh đổi tỷ giá với mục tiêu giảm lãi suất”. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng, lạm phát tại Mỹ có thể tăng thêm 1,5% (theo dự báo của JP Morgan), các ngân hàng Việt càng cần bộ đệm vốn vững vàng để giữ vững an toàn hệ thống.

Basel III không chỉ là “đoạn kiểm tra thể lực” của ngành ngân hàng, mà còn là “đòn bẩy niềm tin” để từng nhà băng Việt Nam trưởng thành hơn, vững chãi hơn và đi xa hơn. Khi vốn đã vững, minh bạch đã rõ, quản trị đã chuyên sâu, không có lý do gì để ngành ngân hàng Việt không trở thành trụ cột cho khát vọng tăng trưởng thần tốc, bền vững và hội nhập toàn diện. Và rồi, từ trong thách thức – sẽ bật lên sức bật mới, đưa ngân hàng Việt vươn tới ngưỡng cao chưa từng có trong kỷ nguyên tài chính toàn cầu hóa.