Bất động sản trở lại vai trò dẫn dắt tăng trưởng tín dụng

Báo cáo phân tích mới đây của BSC Research chỉ ra rằng, tín dụng bất động sản, đặc biệt cho vay kinh doanh, đang trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Đến cuối quý I/2025, dư nợ vào bất động sản đạt khoảng 3,5 triệu tỷ đồng, chiếm 20% - 22% tổng tín dụng, tăng 8% - 9% so với đầu năm. Trong đó, cho vay kinh doanh chiếm tới 45% - tỷ trọng cao kỷ lục.

Xu hướng này nổi bật ở các ngân hàng như MBB, HDB, TCB - vốn có danh mục tín dụng tập trung vào chủ đầu tư dự án. Dự báo, xu hướng sẽ tiếp tục đến cuối năm khi nguồn cung nhà ở tăng trở lại. Với các dự án đủ pháp lý, dòng vốn sẽ dần chuyển từ chủ đầu tư sang người mua trong giai đoạn bàn giao và bán hàng.

Ngược lại, tín dụng người mua nhà vẫn gặp khó do sức cầu yếu và áp lực lãi suất thả nổi sau khi hết ưu đãi. Một số khách hàng chọn cách trì hoãn trả nợ hoặc vay tái tài trợ theo Thông tư 06/2023. Điều này khiến nợ xấu mảng này có thể tiếp tục tăng, buộc ngân hàng phải thận trọng hơn trong lựa chọn tài sản đảm bảo.

6 xu hướng định hình ngành ngân hàng nửa cuối năm, lộ diện nhóm cổ phiếu dẫn đầu
Ảnh minh họa

Thị trường bất động sản cải thiện thanh khoản, đặc biệt tại miền Bắc, đang tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng thanh lý tài sản và thu hồi nợ. Trong bối cảnh NIM bị bào mòn, mảng xử lý nợ xấu ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong cơ cấu lợi nhuận.

Luật hóa Nghị quyết 42 (cuối tháng 6) được kỳ vọng giúp rút ngắn thời gian xử lý tài sản bảo đảm nhờ cho phép ngân hàng chủ động thu giữ tài sản đảm bảo và hoàn trả tài sản liên quan vụ án. Theo VIB, thời gian thu hồi có thể rút ngắn 30% - 50%, góp phần đẩy nhanh quá trình lành mạnh hóa bảng cân đối trong năm 2025.

6 xu hướng định hình ngành ngân hàng cuối 2025

Theo đánh giá của BSC Research, ngành ngân hàng từ nay đến cuối năm sẽ vận động theo một số xu hướng chính.

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh nhằm bù đắp cho NIM đang suy giảm. Dư địa tăng tín dụng vẫn còn rộng, song sức ép về nguồn vốn bắt đầu rõ rệt.

Thứ hai, tỷ lệ LDR (dư nợ cho vay/huy động) tiếp tục leo lên mức cao, cho thấy kênh huy động từ giấy tờ có giá chỉ giúp cân đối một phần, chưa đủ để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn trong dài hạn.

Thứ ba, giải ngân đầu tư công dự kiến tăng tốc trong những tháng cuối năm, đóng vai trò là trụ cột cải thiện chênh lệch tín dụng huy động. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất có thể chịu áp lực tăng trở lại do cơ chế thị trường.

Thứ tư, trong bối cảnh thị phần CASA ngày càng thu hẹp, các ngân hàng có chiến lược số hóa từ sớm đang thể hiện sự vượt trội rõ rệt, trở thành những "trend-setter" trên thị trường.

Thứ năm, chất lượng tài sản toàn ngành dự báo chưa thể cải thiện nhanh. Nợ xấu từ cho vay thế chấp vẫn tăng chậm rãi, đòi hỏi ngân hàng phải có tỷ lệ dự phòng bao phủ cao (LLCR) để linh hoạt trong việc kiểm soát rủi ro và giữ lợi nhuận.

Cuối cùng, sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ là yếu tố then chốt giúp các ngân hàng đẩy mạnh thu hồi nợ xấu, cắt giảm chi phí dự phòng và cải thiện chất lượng tài sản.

Chiến lược đầu tư: Ưu tiên ngân hàng có định vị rõ ràng

6 xu hướng định hình ngành ngân hàng nửa cuối năm, lộ diện nhóm cổ phiếu dẫn đầu
Ảnh minh họa

Dựa trên các xu hướng nói trên, BSC khuyến nghị ưu tiên những ngân hàng có lợi thế cạnh tranh từ hệ sinh thái, chiến lược số hóa bài bản, triển vọng ROA/ROE vượt trội, được hưởng lợi chính sách hoặc sở hữu câu chuyện riêng để cải thiện định giá. BSC lựa chọn 3 cổ phiếu để đầu tư trong nửa cuối năm 2025.

Techcombank (TCB): Hưởng lợi rõ nét từ thị trường bất động sản, hệ sinh thái dẫn đầu, CASA top đầu ngành, sắp IPO TCBS, có tiềm năng mở rộng mảng kinh doanh sang giao dịch tài sản số (crypto).

MBBank (MBB): Có hậu thuẫn từ cổ đông nhà nước và quân đội, danh mục cho vay đa dạng, chất lượng thế chấp nhà ở được kỳ vọng cải thiện, hạn mức tín dụng cao, CASA đứng thứ 2 toàn ngành, tiềm năng thoái toàn bộ vốn tại MBV cho nhà đầu tư nước ngoài.

VietinBank (CTG): Nổi bật nhờ thu hồi nợ xấu hiệu quả, giảm trích lập, tăng trưởng tín dụng cao, cải thiện ROA/ROE, không bị áp lực tăng vốn (CAR ổn định), khoảng cách P/B với các ngân hàng tương đồng tiếp tục thu hẹp.