Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 1/6, thực trạng sức khỏe doanh nghiệp tiếp tục nhận được nhiều quan tâm từ các đại biểu quốc hội. Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm đã có 77 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Thị Hiền (tỉnh Hà Nam) cho rằng con số này cho thấy một số yếu tố bất thường rất đáng quan tâm về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Đó là số doanh nghiệp gia nhập thị trường và con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tương đương nhau. Đây là điều chưa từng thấy.

Số liệu thống kê từ năm 2020 khi Quốc hội sửa Luật doanh nghiệp đến nay, hằng năm số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn cao hơn nhiều so với số doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Ngoài ra, trong số bình quân 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng là một mức tăng đột biến nếu so sánh với mức bình quân 11.900 doanh nghiệp năm 2022, 10.000 vào năm 2021... Điều bất thường thứ ba là điều này xảy ra ngay từ những tháng đầu năm, là thời điểm thông thường doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh...

Đại biểu cho rằng, trước tình trạng này cần được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, đánh giá, phân tích thấu đáo hơn để nhận diện rõ ràng, chính xác thực trạng của doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn, đối mặt với những biến động khó lường, cần nghiên cứu có những chính sách ưu đãi căn cơ hơn nữa về thuế thu nhập, tiền sử dụng đất thay cho những chính sách hỗ trợ mang tính tạm thời, chưa đủ độ, tạo đà phục hồi cho doanh nghiệp.

77.000 doanh nghiệp rời thị trường: Có nhiều yếu tố bất thường
Đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam).

Trong phiên họp 31/5, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh đề nghị các cơ quan rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính, nhất là thay đổi văn hóa "doanh nghiệp phải đi xin, chạy". Theo ông, chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ phụng sự doanh nghiệp, chủ động, thực tâm, thực lòng để gỡ khó.

"Những việc gì cần làm để doanh nghiệp phát triển, nên làm và quyết định ngay. Cần bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, bởi đến khi giải quyết được, doanh nghiệp đã 'gần đất xa trời'", ông An nói.

Liên quan vấn đề giảm lãi suất, ông An cho rằng Chính phủ đã phải dùng mệnh lệnh hành chính, nhưng tiếp cận và đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh vẫn nghẽn. "Việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp với doanh nghiệp", ông nói.

Bà Phan Thị Mỹ Dung, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An phản ánh tình trạng doanh nghiệp thua lỗ, số phá sản tăng và thu nhập người lao động giảm. Đây cũng là vấn đề được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu khi giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ ngày 30/5.

Trước thực trạng này, bà Dung đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện, phân tích rõ độ vênh trong các báo cáo Chính phủ với số liệu thực tế về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp và việc làm.