Trong thời đại thông tin, tích lũy kinh nghiệm không còn là lợi thế tuyệt đối. Tác giả cuốn sách nổi tiếng Cha giàu, cha nghèo cảnh báo: nếu không thay đổi tư duy và liên tục học hỏi, ngay cả người trẻ cũng có thể sớm lâm vào “khủng hoảng tuổi 30”, còn người trung niên dễ bị đào thải bởi trí tuệ nhân tạo.

Theo tác giả Robert Kiyosaki, trong thời đại công nghiệp, người càng lớn tuổi càng được trọng dụng nhờ kinh nghiệm. Nhưng khi bước sang thời đại thông tin – nơi kiến thức cũ nhanh chóng lạc hậu – thì chính lớp trẻ cũng sẽ gặp “khủng hoảng tuổi 30” nếu chỉ làm một nghề, ngừng học hỏi và trông chờ vào sự ổn định.

Một ví dụ rõ ràng là sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ này chưa từng được dạy bài bản trong trường lớp, nhưng lại mang lại mức thu nhập cao cho người dám học, dám ứng dụng. Trong khi đó, những lao động truyền thống không cập nhật kỹ năng mới rất dễ bị thay thế.

Từ học sinh cá biệt thành ông chủ tuyển người giỏi

Robert Kiyosaki kể lại một kỷ niệm trong thời trung học: ông và người bạn Mike từng bị thầy hướng nghiệp chê bai, coi là "hai tên hề của lớp", không có tương lai. Nhưng nhiều năm sau, chính họ trở thành doanh nhân thành đạt, tuyển dụng những bạn học ngày trước từng là lớp trưởng, học sinh giỏi hay chủ nhiệm câu lạc bộ.

85% nhân sự được hỏi tin rằng 'lời nguyền tuổi 35' là có thật, tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’ đã đưa ra lời cảnh báo
Robert Kiyosaki tác giả cuốn sách 'Cha giàu, cha nghèo'

"Người học giỏi không phải lúc nào cũng thành công. Thành tích ở trường chưa chắc phản ánh năng lực thực tế ngoài xã hội", Robert viết.

Theo ông, những học sinh bị xem là “cá biệt” thường sở hữu năng khiếu khác biệt: khả năng thích nghi, giao tiếp tốt, tinh thần dám liều lĩnh... Trong môi trường học đường thiên về học thuộc, những năng lực này ít được đánh giá đúng mức. Nhưng khi vào đời, chúng lại trở thành yếu tố quyết định sự khác biệt.

Trong khi đó, nhiều bạn học giỏi lại chọn con đường an toàn – đi làm thuê và theo đuổi sự ổn định. Khi khởi nghiệp thất bại, họ vội vã tìm công việc có lương cao để duy trì cuộc sống, chấp nhận từ bỏ giấc mơ lớn vì sợ rủi ro.

Muốn giàu, phải học lại từ đầu

Kiyosaki cho rằng thời đại hiện nay không còn “ưu ái” những người nhiều tuổi. Đặc biệt ở các ngành không cần trình độ chuyên môn cao, nhà tuyển dụng có xu hướng chọn người trẻ – vì khỏe hơn, nhanh nhạy hơn, chịu áp lực tốt và chấp nhận mức lương thấp.

Câu chuyện về “lời nguyền tuổi 35” đang phổ biến tại nhiều nền kinh tế châu Á là minh chứng rõ nét. Tại Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp ngầm đặt giới hạn tuyển dụng dưới 35 tuổi. Thậm chí, một số ngành như tài chính, công nghệ, thiết kế đang dần loại bỏ nhân sự ở độ tuổi trung niên để thay thế bằng lao động trẻ.

Một khảo sát của Zhaopin công bố tháng 4/2023 cho thấy 85% người lao động tin rằng lời nguyền tuổi 35 là có thật. Thuật ngữ "lời nguyền tuổi 35" xuất hiện trên mạng xã hội để chỉ tình trạng các công ty công nghệ sa thải nhân viên lớn tuổi với định kiến rằng họ kém năng động, tốn kém hơn người trẻ và ít sẵn sàng làm thêm giờ vì bận lo cho gia đình. CNN cũng từng đưa tin, tại nhiều công ty Trung Quốc, người lao động ngoài 30 bị đánh giá là “quá già” để bắt đầu hoặc giữ một công việc mới.

Thông điệp mà Robert Kiyosaki nhấn mạnh xuyên suốt là: thành công không phụ thuộc vào xuất phát điểm, mà phụ thuộc vào tư duy và khả năng thích nghi. Việc học không kết thúc khi ra trường. Ngược lại, ai không chịu học nữa thì sẽ bị tụt lại phía sau – bất kể thành tích học tập ngày xưa tốt đến đâu.

Khủng hoảng tuổi 30, lời nguyền tuổi 35 hay phá sản ở tuổi 47 không phải là “tai họa từ đâu ập tới”, mà là hệ quả của lối tư duy bảo thủ và ngại thay đổi. Trong kỷ nguyên AI và chuyển đổi số, người không liều sẽ mãi không giàu. Người không học sẽ mãi không theo kịp.