Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục thăng hoa trong phiên giao dịch ngày 9/7, với lực kéo mạnh từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán. VN-Index bật tăng gần 16 điểm, đóng cửa tại mức 1.431, tăng hơn 50 điểm từ đầu tháng 7.
Đáng chú ý, khối ngoại duy trì chuỗi mua ròng phiên thứ 6 liên tiếp với giá trị lên tới 1.947 tỷ đồng trên sàn HoSE. Dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu tài chính như SSI (474 tỷ đồng), SHB (266 tỷ đồng), VCB (255 tỷ đồng), TPB (201 tỷ đồng)... Lũy kế 6 phiên gần nhất, nhà đầu tư nước ngoài đã rót ròng hơn 9.633 tỷ đồng - đánh dấu tín hiệu đảo chiều sau hai quý đầu năm liên tiếp bán ròng.
Đà tăng tích cực diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiến gần đến kỳ đánh giá phân loại tháng 9/2025 của tổ chức nâng hạng FTSE Russell. Trong báo cáo gần đây của BSC Research, dẫn kinh nghiệm từ các thị trường mới nổi từng được nâng hạng, nhà đầu tư nước ngoài thường có xu hướng mua ròng từ 2 - 4 tháng trước thời điểm tổ chức xếp hạng FTSE Russell chính thức công bố quyết định nâng hạng (T0), cũng như trong giai đoạn bắt đầu tái cơ cấu danh mục (T1).
![]() |
Chứng khoán Việt Nam có thể nâng hạng ngay trong năm 2025 (Ảnh: BSC Research) |
Đánh giá thêm về động thái của khối ngoại, tại hội thảo vừa diễn ra, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS cho rằng xu hướng mua ròng từ đầu tháng 7 đến nay của nhà đầu tư nước ngoài tương đồng với mô hình thường thấy tại các thị trường sắp được nâng hạng, khi dòng vốn ngoại có xu hướng giải ngân mạnh trước, trong và sau thời điểm nâng hạng.
“Nếu được nâng hạng, dòng vốn thụ động và chủ động đổ vào thị trường Việt Nam có thể đạt từ 3 - 7 tỷ USD. Việc giải ngân nhanh trong thời gian ngắn sẽ tạo cú hích đáng kể cho thị trường”, ông Sơn nhận định.
Dựa trên các kịch bản về độ nhạy thị trường và diễn biến thanh khoản, ông Sơn kỳ vọng giá trị giao dịch có thể tăng lên mức 28.000 tỷ đồng mỗi phiên, nhờ động lực từ câu chuyện nâng hạng cùng các cải tiến như giao dịch buổi trưa, rút ngắn chu kỳ thanh toán... Từ đó, VN-Index có thể sớm chạm mốc 1.500 - 1.550 điểm ngay trong năm nay hoặc đầu năm tới.
Trong khi đó, tại báo cáo chiến lược vừa công bố, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng của SSI Research nhận định xác suất Việt Nam được nâng hạng trong năm 2025 có thể lên tới 90%. Theo ông Hưng, từ nay đến thời điểm nâng hạng, số lượng cổ phiếu niêm yết tăng sẽ kéo theo khả năng nhiều mã được đưa vào rổ chỉ số, với tỷ trọng có thể lên gần 1%.
"Dòng tiền lớn, các quỹ sẽ đổ vào", chuyên gia dự báo.
Động thái quay trở lại của dòng vốn ngoại được kỳ vọng tạo lực đẩy cho các công ty chứng khoán có tỷ trọng giao dịch lớn từ khối ngoại như SSI, VCI, HCM.
Việt Nam hiện nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE Russell. Tổ chức này đánh giá cao những nỗ lực cải cách từ phía cơ quan quản lý, đặc biệt là việc triển khai mô hình không cần ký quỹ trước (NPF), qua đó góp phần hỗ trợ hiệu quả hơn cho dòng vốn nước ngoài. Hiện Việt Nam vẫn cần cải thiện hai tiêu chí quan trọng gồm: “Chu kỳ thanh toán (Delivery versus Payment – DvP)” và “Chi phí liên quan đến các giao dịch không thành công”, hiện đều bị xếp loại là “Hạn chế” (Restricted). Các đơn vị thị trường đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc để nhằm đáp ứng tiêu chí nâng hạng theo đánh giá của tổ chức ngay trong năm nay. |