Theo The Economic Times, ngày 28/9, Chính phủ Ấn Độ đã gia hạn thời hạn xuất khẩu gạo tấm thêm 15 ngày. Cách đây vài ngày, thời hạn này đã được sửa đổi từ ngày 15/9 thành ngày 30/9.

Hãng PTI dẫn nguồn từ Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ cho biết, hoạt động xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ đã được gia hạn đến ngày 15/10/2022.

Trước đó, ngày 8/9/2022, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với một số loại gạo xuất khẩu trong bối cảnh nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này cố gắng tăng nguồn cung và làm dịu giá trong nước sau khi lượng mưa dưới mức trung bình đã hạn chế việc trồng trọt.

Động thái này khiến khoảng 1 triệu tấn gạo bị dồn ứ trên khắp cả nước.

Tuy nhiên sau đó, Ấn Độ cũng đã cho phép xuất khẩu một số lô hàng gạo mắc kẹt tại các cảng. 

Theo đó, các doanh nghiệp đã đề nghị được xuất khẩu gạo 100% tấm đang bị tắc tại cảng; đồng thời, xuất khẩu các lô hàng gạo trắng mà không phải chịu thuế xuất khẩu 20%, vì người mua không chấp nhận trả thêm chi phí.

Theo các quan chức trong ngành, có ít nhất 20 tàu đang chờ vận chuyển khoảng 600.000 tấn gạo tại các cảng sau khi gạo bị mắc kẹt trong gần hai tuần, buộc người bán phải trả thêm phí lưu kho. Ngoài ra, 400.000 tấn gạo khác cũng đang bị kẹt tại các kho cảng và trạm trung chuyển hàng hóa container mặc dù các hợp đồng được hỗ trợ bằng tín dụng thư (LC).

Các lô hàng gạo tấm bị kẹt chuẩn bị xuất khẩu đến đến Trung Quốc, Senegal và Djibouti, trong khi các loại gạo trắng khác được mua bởi khách hàng ở Benin, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE.

Các hạn chế mới được áp dụng có thể khiến xuất khẩu gạo của Ấn Độ giảm khoảng 1/4 trong năm nay, đồng thời đẩy người mua tìm đến các nhà cung cấp đối thủ.

Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi Nông dân Ấn Độ ngày 21/9 cũng cho biết, sản lượng lúa vụ hè thu của nước này dự kiến ​​sẽ giảm 6% trong niên vụ 2022-2023 do mưa gió mùa ngắt quãng ở miền đông ảnh hưởng đến năng suất gieo trồng và sản lượng.

Đừng quá kỳ vọng vào doanh nghiệp buôn gạo khi Ấn Độ "tiết cung"