Đồng bạc xanh tiếp tục suy yếu trong phiên giao dịch ngày 21/5 (giờ Mỹ), khi giới đầu tư tỏ ra thận trọng trước những tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về triển vọng kinh tế và theo dõi sát diễn biến các cuộc đàm phán sắp tới giữa Mỹ và Nhật Bản.
Tính đến sáng 22/5 theo giờ Việt Nam, đồng USD đã giảm phiên thứ hai liên tiếp sau khi chịu áp lực từ đợt hạ bậc tín nhiệm nợ quốc gia của Mỹ do Moody’s thực hiện vào tuần trước, với lý do liên quan đến rủi ro tài khóa gia tăng. Ngoài ra, thị trường hiện cũng đang chờ đợi cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ về dự luật cải cách thuế quy mô lớn do Tổng thống Donald Trump đề xuất.
Đồng USD giảm 0,2% so với yen Nhật, giao dịch quanh mốc 144,51 – mức thấp nhất trong gần hai tuần. Áp lực giảm còn đến từ kỳ vọng các cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent sẽ bao gồm nội dung thảo luận về tỷ giá và việc tránh biến động quá mức trên thị trường tiền tệ.
Cuộc gặp song phương giữa hai bên dự kiến diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 tổ chức trong tuần này tại Canada.
“Thị trường đang kỳ vọng các cuộc thảo luận thương mại sắp tới có thể bao gồm cả điều khoản liên quan đến tỷ giá – điều này có thể là yếu tố tiêu cực với USD. Chính quyền Mỹ được cho là đang hướng tới một đồng USD yếu hơn so với các đồng tiền châu Á để thu hẹp thâm hụt thương mại”, ông Chris Turner – Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối tại ING – nhận định.
![]() |
Đồng USD đã giảm phiên thứ hai liên tiếp sau khi chịu áp lực từ đợt hạ bậc tín nhiệm nợ quốc gia của Mỹ do Moody’s thực hiện vào tuần trước. (Ảnh: CNBC) |
Ở chiều ngược lại, đồng đô la Úc (AUD) cũng giảm nhẹ sau khi Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) hạ lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản và để ngỏ khả năng tiếp tục nới lỏng trong thời gian tới. Tỷ giá AUD/USD giảm 0,68%, về mức 0,64135, sau khi tăng 0,8% trong phiên đầu tuần.
“Thông điệp của RBA cho thấy họ chưa có ý định kết thúc chu kỳ nới lỏng, do đó AUD phản ứng tiêu cực ngay trong phiên sáng”, bà Antje Praefcke – chuyên gia phân tích ngoại hối tại Commerzbank – nhận định.
Trong khi đó, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng suy yếu so với USD sau khi Bắc Kinh tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản, trong khi nhu cầu USD từ phía doanh nghiệp vẫn ở mức cao do yếu tố thời vụ.
Dù đồng USD giảm, giới đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng với khả năng Fed có thể nới lỏng chính sách tiền tệ trong ngắn hạn. Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic, cho biết trên CNBC hôm thứ Hai rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể chỉ cắt giảm lãi suất tối đa 25 điểm cơ bản trong phần còn lại của năm 2025, do lo ngại lạm phát bị đẩy lên bởi các mức thuế quan mới.
Theo CNBC