Theo Bộ Công Thương, đến ngày 30/5/2023, đã có 5 nhà máy điện mặt trời được công nhận vận hành thương mại. Trong đó, có 3 dự án đã được công nhận vận hành thương mại một phần hoặc toàn nhà máy, với tổng công suất hơn 216 MW, bao gồm: Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3, Trung Nam.

Tuy nhiên, đây đều là những phần nhà máy đã vận hành thương mại từ trước năm 2021, do chưa có giá điện nên phải ngừng mua, đến nay huy động lại. Riêng 2 nhà máy của CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) đã được công nhận vận hành thương mại đầu tiên trong nhóm các dự án chuyển tiếp.

Bamboo Capital (BCG) - Doanh nghiệp đứng sau 2 dự án điện mặt trời được vận hành thương mại sớm nhất

Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ vận hành 100% công suất

Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ được CTCP Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch - trực thuộc BCG Energy - khởi công xây dựng tại xã Mỹ An và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày 29/5/2020.

Đây là nhà máy năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất khu vực miền Trung với tổng mức đầu tư hơn 6.500 tỉ đồng, được xây dựng trên diện tích 325ha. Tổng công suất thiết kế 330MW, chia thành 2 giai đoạn bao gồm 3 nhà máy. Chỉ trong 7 tháng thi công, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đã đưa vào khai thác thương mại 216MW trên tổng công suất 330MW.

Việc đóng điện thành công và được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) vào đúng ngày 31/12/2020, 216 MW đầu tiên nối lưới của Nhà máy Phù Mỹ được hưởng mức giá mua điện ưu đãi là 7,09 cent/kWh (tương đương 1.644 đồng/kWh) theo quyết định 13 về cơ chế khuyến khích các dự án điện mặt trời tại Việt Nam ngay trong ngày cuối cùng quyết định này còn hiệu lực.

Bamboo Capital (BCG): Doanh nghiệp đứng sau 2/5 nhà máy điện mặt trời được vận hành thương mại sớm nhất
Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ.

Theo kế hoạch, giai đoạn 1 và 3 của nhà máy (công suất 114 MW) dự kiến sẽ được công nhận COD trước ngày 28/2/2021. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng những vướng mắc về cơ chế trong thời gian gần đây, vì vậy sau 2 năm chờ đợi, đến ngày 30/5/2023, 2 dự án này mới chính thức vận hành.

Đây là dự án điện tái tạo chuyển tiếp trong nước "về đích" đầu tiên khi trở thành dự án chuyển tiếp sớm nhất được công nhận COD.

Việc nhà máy đi vào vận hành 100% công suất sẽ tạo ra sản lượng điện khoảng 520 triệu kWh/năm, tương đương mức sử dụng của 200.000 hộ dân, giúp giảm phát thải khoảng 146.000 tấn CO2. Đồng thời, đóng góp tích cực vào doanh thu của Tập đoàn Bamboo Capital trong thời gian tới.

Hiện Tập đoàn Bamboo Capital đang sở hữu khoảng 600 MW điện mặt trời chủ yếu từ 4 nhà máy, gồm BCG Long An 1, BCG Long An 2, BCG Vĩnh Long và Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ. Các nhà máy này được xây dựng trong giai đoạn 2018-2020 và được hưởng giá FIT ưu đãi trong 20 năm, qua đó mang lại doanh thu ổn định hằng năm cho tập đoàn.

Bamboo Capital và câu chuyện M&A

Năm 2011, ông Nguyễn Hồ Nam cùng những cộng sự của mình đã thành lập nên CTCP Thủ Phủ Tre. Bốn năm sau, công ty chính thức đổi tên thành CTCP Bamboo Capital với số vốn điều lệ ban đầu là 43 tỷ đồng. Cũng trong năm 2015, Bamboo Capital chính thức được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh với mã BCG. Tháng 9/2022, công ty tiếp tục đổi tên thành CTCP Tập đoàn Bamboo Capital.

Chiến lược kinh doanh của Bamboo Capital là một doanh nghiệp đa ngành, vì vậy để mở rộng quy mô, doanh thu, lợi nhuận,... công ty rất tích cực trong các thương vụ M&A (mua lại và sát nhập).

Chẳng hạn như năm 2015, Bamboo Capital có một thương vụ M&A thành công khi công ty mua lại 68% cổ phần CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi) từ SCIC. Sau khi nắm quyền chi phối Tracodi, ông Hồ Nam đã tái cấu trúc lại các hoạt động kinh doanh của công ty. Ngày 26/05/2015, cổ phiếu Tracodi chính thức được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh với mã TCD.

Năm 2021 được coi là năm hoạt động M&A sôi động nhất của Bamboo Captial. Cụ thể, công ty đã mua lại 80,64% vốn điều lệ của Bảo hiểm AAA. Cuối tháng 8, Bamboo Captial tiếp tục rót vốn vào Chứng khoán Thủ đô thông qua Bamboo Financial (công ty do Bamboo Capital nắm giữ 99% vốn). Trong lĩnh vực tài chính, công ty cũng rót gần 1.000 tỷ đồng mua cổ phần trong đợt chào bán riêng lẻ của TPBank.

Bamboo Capital thành công thu hút vốn đầu tư

Bên cạnh đó, Bamboo Capital cũng thành công trong việc thu hút của nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, phải kể đến là lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Ngày 5/12/2021, BCG Energy (thuộc Tập đoàn Bamboo Capital) đã ký hợp tác đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo với Leader Energy Pte Limited (Singapore). Dự án có tổng công suất hơn 100 MW. Theo đó, BCG Energy đã gọi vốn thành công 43,6 triệu USD, tương đương hơn 1.018 tỷ đồng từ Leader Energy dưới dạng trái phiếu chuyển đổi để đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo của Bamboo Capital.

Tháng 3 vừa qua, CTCP BCG - SP Solar 1, công ty con thuộc liên doanh giữa BCG Energy và SP Group (Singapore) đã nhận khoản giải ngân 31,5 triệu USD trong tổng hạn mức tín dụng lên đến 50 triệu USD của 3 ngân hàng Singapore là DBS Bank Limited (DBS), Oversea Chinese Banking Corporation (OCBC) và United Overseas Bank Limited (UOB).

Sau hơn 10 năm thành lập, công ty hiện là một tập đoàn đa ngành, kinh doanh trên các lĩnh vực như tư vấn, quản lý quỹ, dịch vụ ngân hàng đầu tư, bất động sản, sản xuất, xuất nhập khẩu, giao thông vận tải, khoáng sản, năng lượng tái tạo...

Bamboo Capital (BCG) - Doanh nghiệp đứng sau 2/5 nhà máy điện mặt trời được vận hành thương mại sớm nhất
Công ty thành viên và công ty liên kết của Bamboo Capital.

Những bước phát triển thần tốc của Bamboo Capital

Bamboo Capital xác định vị thế chiến lược tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi là năng lượng tái tạo, bất động sản, dịch vụ tài chính và phát triển thêm mảng hạ tầng. Trong đó năng lượng tái tạo là mảng chiến lược trung và dài hạn sẽ tạo nguồn thu, dòng tiền và lợi nhuận ổn định cho Tập đoàn trong giai đoạn 2023-2027.

Mảng xây dựng: Tracodi tập trung vào những lĩnh vực cốt lõi và nâng cao hiệu quả hoạt động bao gồm xây dựng hạ tầng, tham gia các dự án đầu tư công và gia tăng khai thác đá. Mảng hạ tầng là mũi nhọn trong giai đoạn hiện tại, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ trong việc đầu tư phát triển hạ tầng và nhà ở xã hội.

Mảng bất động sản: Có thể kể đến các dự án bất động sản gắn với tên tuổi BCG như dự án Malibu Hội An, Dự án King Crown Village - Thảo Điền, Tòa nhà Prince Court, Casa Marina Resort...

Tong năm 2022, BCG Land đã hoàn thành xây dựng và bàn giao sản phẩm Dự án King Crown Village cho khách hàng.

Mảng năng lượng tái tạo: CTCP Năng lượng BCG Băng Dương - thành viên trực thuộc Bamboo Capital làm chủ đầu tư dự án năng lượng mặt trời 40 MW tại Long An với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, BCG còn góp vốn đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời Gaia 100MW tại huyện Thạnh Hóa, Long An.

Từ cuối năm 2020, BCG Energy bắt đầu ghi nhận dòng tiền lớn và ổn định từ hoạt động bán điện với tổng công suất lên tới 252,7 MW và đây cũng là nguồn doanh thu chính được ghi nhận trong năm 2021 và tiếp tục trong năm 2022. Hiện danh mục dự án năng lượng tái tạo đã vận hành thương mại của Bamboo Capital lên đến 600 MW, là một trong ba đơn vị phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam.

Lĩnh vực khác: Bên cạnh đó, Bamboo Capital tham gia sản xuất chế biến và kinh doanh ván ép gỗ, ngoại thất nhựa, đồ gỗ nội ngoại thất, phân vi sinh và hạt cà phê thông qua mạng lưới các công ty thành viên.

Với vốn chủ sở hữu vẻn vẹn 22 tỷ đồng vào năm 2014, sau hơn 9 năm, vốn chủ sở hữu của công ty đã đạt gần 14.382 tỷ đồng. Tương tự, tổng tài sản cũng tăng 145 lần kể từ năm 2014 đến quý 1/2023. Tốc độ tăng trưởng quy mô bắt đầu "dựng đứng" trong hai năm 2020 và 2021.

Bên cạnh đó, doanh thu và lợi nhuận của Bamboo Capital cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ 2020 và "vọt mạnh" trong năm 2021.

Bamboo Capital (BCG) - Doanh nghiệp đứng sau 2 dự án điện mặt trời được vận hành thương mại sớm nhất

Năm 2022, chi phí lãi vay tăng mạnh, việc huy động vốn khó khăn làm cho thị trường M&A gần như bị đóng băng, vì vậy, dù doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận của Bamboo Capital vẫn giảm gần một nửa.

Đến quý 1/2023, lợi nhuận của công ty bốc hơi gần 98% so với cùng kỳ, doanh thu cũng giảm 44% do nguồn thu từ mảng xây dựng và bất động sản giảm mạnh; dù vậy, mảng năng lượng tái tạo vẫn đóng góp gần 245 tỷ đồng (chiếm 35% tổng doanh thu và tăng 17% so với cùng kỳ).

Năm 2023, Bamboo Capital đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 6.924 tỷ đồng, bằng 152,8% thực hiện năm 2022, lợi nhuận trước thuế 791,3 tỷ đồng, bằng 100% năm trước.