Giảo cổ lam, có tên khoa học là Gynostemma pentaphyllum, từ lâu đã được các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc sử dụng trong y học cổ truyền. Cây mọc chủ yếu ở các vùng núi cao, khí hậu mát mẻ và thường được mệnh danh là “nhân sâm phương Nam” nhờ công dụng tương đồng với nhân sâm nhưng ít được biết đến hơn.

Điều làm nên giá trị đặc biệt của giảo cổ lam chính là hàm lượng chất chống oxy hóa cực cao, thậm chí vượt trà xanh tới 8 lần. Theo Tiến sĩ Michael Aziz, bác sĩ nội khoa tại New York và chuyên gia y học tái tạo, loại thảo mộc này không chỉ giúp chống viêm, làm chậm lão hóa mà còn hỗ trợ giảm cholesterol và tăng cường trao đổi chất. Đây là những yếu tố quan trọng trong việc kéo dài tuổi thọ.

Bất ngờ trước công dụng của 'nhân sâm phương Nam', uống đều đặn giúp gan khỏe mạnh, chống lão hóa gấp 8 lần trà xanh
Giảo cổ lam có hàm lượng chất chống oxy hóa cực cao, gấp 8 lần trà xanh. Ảnh minh họa

Nhiều nghiên cứu khoa học hiện đại đã chứng minh rằng giảo cổ lam có khả năng hỗ trợ mạnh mẽ các cơ quan nội tạng quan trọng như gan và thận. Tạp chí Journal of Functional Foods từng khẳng định vị đắng và tính mát của giảo cổ lam có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể, giúp cải thiện tình trạng viêm gan, viêm phế quản và rối loạn tiêu hóa mãn tính.

Ngoài ra, hậu vị ngọt đặc trưng của trà giảo cổ lam cũng đóng vai trò trong việc bồi bổ khí huyết, ổn định huyết áp, làm giảm mỡ máu và hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ.

Thành phần dược tính mạnh mẽ nhất trong giảo cổ lam là gypenosides – một nhóm saponin có cấu trúc gần giống ginsenosides trong nhân sâm. Gypenosides không chỉ có khả năng chống oxy hóa, mà còn thúc đẩy cải thiện tín hiệu insulin, ổn định đường huyết và tăng cường chức năng của ty thể.

Bất ngờ trước công dụng của 'nhân sâm phương Nam', uống đều đặn giúp gan khỏe mạnh, chống lão hóa gấp 8 lần trà xanh
Trà giảo cổ lam có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Tiến sĩ Aziz cho biết ông dùng 900mg giảo cổ lam mỗi ngày dưới dạng trà khô. Dù có vị hơi đắng khi uống, nhưng trà giảo cổ lam lại để lại hậu vị ngọt dễ chịu. Điều quan trọng hơn, loại thảo dược này không chứa caffeine nên không ảnh hưởng đến giấc ngủ như trà hay cà phê.

Mặc dù giảo cổ lam được đánh giá là an toàn khi sử dụng thường xuyên, nhưng một số tác dụng phụ hiếm gặp vẫn có thể xảy ra như buồn nôn, chóng mặt, tiêu chảy, mờ mắt hoặc ù tai. Những người đang điều trị bệnh mãn tính, đặc biệt là bệnh tiểu đường cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng vì giảo cổ lam có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết và tương tác với thuốc điều trị.

Trên thị trường, giảo cổ lam được bán với mức giá phong phú. Cây tươi giao động từ 5.000-10.000 đồng/kg, hàng khô từ 100.000-400.000 đồng/kg.