Bầu Đức vừa dứt lời, giá sầu đã rớt thảm: Tuyên bố HAGL ‘bán 20.000 đồng/kg vẫn có lãi’ liệu còn đúng?
HAGL hiện sở hữu nông trường sầu riêng lớn nhất thế giới tại Lào, hàng trăm hecta đã cho thu hoạch vụ bói hồi cuối năm 2024

Ngày 1/7/2025, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, tỉnh Gia Lai mới chính thức được hình thành sau khi sáp nhập với tỉnh Bình Định. Bước ngoặt này không chỉ thay đổi về mặt hành chính mà còn làm nổi bật vai trò của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG) – doanh nghiệp lớn nhất địa phương đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Tính đến cuối tháng 6/2025, HAGL có vốn hóa thị trường gần 13.700 tỷ đồng, cao hơn Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH, hơn 11.700 tỷ đồng) và bỏ xa các doanh nghiệp khác trên địa bàn như HAGL Agrico (HNG), Điện Gia Lai (GEG) hay Dược Bidiphar (DBD).

Từng là "ông lớn" bất động sản, HAGL dưới sự điều hành của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã trải qua giai đoạn tái cấu trúc kéo dài và chuyển hướng toàn diện sang nông nghiệp. Từ năm 2021 đến 2024, doanh nghiệp ghi nhận lãi hàng nghìn tỷ đồng, chủ yếu từ ba sản phẩm chiến lược: Chuối, heo và sầu riêng.

Tại ĐHCĐ thường niên 2025, bầu Đức chia sẻ: "HAGL hiện tại theo mô hình '2 cây – 1 con' cũng dễ rủi ro. Nên tôi đã đưa thêm dâu và cà phê, tạo thành 5 mặt hàng: 4 cây – 1 con. Ví dụ năm nay thị trường Trung Quốc ảnh hưởng sầu riêng thì còn dâu và cà phê. Hiện chưa nghĩ ra đưa thêm sản phẩm khác nào nữa".

Chiến lược này phản ánh sự thận trọng của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khó lường, đặc biệt khi sầu riêng – sản phẩm đóng góp lớn nhất vào doanh thu và lợi nhuận của HAGL – đang lao dốc mạnh về giá.

Theo thống kê đến ngày 30/6/2025, tại Đông Nam Bộ, giá sầu riêng Ri6 loại A xuất khẩu đạt khoảng 42.000 đồng/kg, Ri6 loại B là 27.000 đồng/kg. Dòng Monthong loại A hiện được giao dịch ở mức 75.000 đồng/kg, loại B là 55.000 đồng/kg – giảm mạnh so với mức 83.000–91.000 đồng/kg hồi cuối tháng 5/2025.

So với cùng kỳ năm trước, giá Monthong giảm khoảng 8.000 đồng/kg, còn Ri6 sụt đến 16.000 đồng/kg. Điều này khiến nhiều nhà vườn và doanh nghiệp rơi vào trạng thái lo lắng khi doanh thu bị thu hẹp nhanh chóng.

Nguyên nhân chính khiến giá sầu riêng giảm sâu bao gồm:

- Trung Quốc – thị trường xuất khẩu lớn nhất – siết chặt kiểm định chất lượng, đặc biệt là hàm lượng kim loại nặng như cadimi và chất vàng O;

- Thái Lan và Malaysia vào vụ thu hoạch chính với sản lượng vượt trội (Thái Lan gấp đôi Việt Nam), chất lượng cao hơn và giá cạnh tranh;

- Malaysia được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, gia tăng áp lực nguồn cung;

- Thời tiết xấu, mưa đến sớm khiến trái sầu riêng không đạt độ chín chuẩn, bị sượng, bán ra với giá thấp. Đặc biệt, giá bán sầu riêng Ri6 loại xô hiện chỉ còn khoảng 25.000 đồng/kg – mức thấp kỷ lục.

"Bán với giá 20.000 đồng/kg vẫn có lãi"

Trong bối cảnh đó, dư luận nhớ lại tuyên bố nổi tiếng của ông Đoàn Nguyên Đức hồi năm 2023: "Ngay cả khi bán sầu riêng với giá 20.000 đồng/kg, thì vẫn có lãi". Theo ông, chi phí sản xuất sầu riêng rất thấp, chỉ từ 5.000–10.000 đồng/kg, tùy quy mô.

Thực tế đã chứng minh lời ông Đức không phải lời nói suông. Năm đầu tiên thu hoạch tại Việt Nam, HAGL có 21ha sầu riêng, thu về doanh thu 18 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 14,4 tỷ đồng – tức đạt tỷ suất 1 vốn 5 lời. Hiện công ty đã trồng tổng cộng 2.000ha sầu riêng, trong đó 300ha tại Việt Nam và 1.700ha tại Lào. Khoảng 600ha sẽ cho thu hoạch trong năm 2025 và 80% diện tích sẽ bắt đầu thu hoạch từ năm 2026.

Tuy nhiên, các chuyên gia ngành cảnh báo rằng giá sầu riêng có thể còn giảm tiếp do nhiều yếu tố tiêu cực chưa được kiểm soát, bao gồm chính sách kiểm định chặt của Trung Quốc, áp lực nguồn cung quốc tế và điều kiện thời tiết bất lợi kéo dài.

Nếu tình trạng này kéo dài, biên lợi nhuận của HAGL sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trong ngắn hạn. Trong khi đó, các sản phẩm mới như dâu và cà phê chưa mang lại doanh thu đáng kể để bù đắp. Đây là thách thức lớn đối với kế hoạch tài chính và khả năng hoàn tất mục tiêu xóa sạch nợ mà HAGL đã theo đuổi suốt nhiều năm.

Dù vậy, ông Đức vẫn tin tưởng vào tương lai, thị trường Trung Quốc vẫn là mảnh đất tiềm năng khi mới chỉ có khoảng 10% dân số từng ăn sầu riêng. "Sầu riêng có thể xuống giá, nhưng không thể không bán được. Trung Quốc không trồng được sầu riêng, mà từ đèo Hải Vân đổ ra cũng không trồng được. Nên cung không quá dư thừa", ông Đức nói.

Với quy mô vùng trồng tương đối ổn định, không có kế hoạch mở rộng thêm, bầu Đức cho rằng vấn đề không nằm ở đầu ra mà ở cách bán hàng sao cho hiệu quả nhất, tối ưu lợi nhuận trong giai đoạn khó khăn hiện tại.