Sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đang chững lại đáng kể. Trong quý I/2025, lượng sầu riêng xuất khẩu chỉ đạt gần 26.900 tấn, trị giá khoảng 98,2 triệu USD – giảm tới 53% về lượng và 61% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân cũng tụt xuống còn 3.655 USD/tấn, thấp hơn 18% so với năm trước.
![]() |
Nguyên nhân chính đến từ việc thị trường Trung Quốc – nơi tiêu thụ hơn 90% sản lượng sầu riêng Việt – siết chặt kiểm soát chất lượng, đặc biệt sau sự cố phát hiện chất vàng O trong 64 tấn sầu riêng nhập từ Thái Lan đầu năm 2025. Cả Việt Nam và Thái Lan đều ghi nhận mức giảm xuất khẩu sang Trung Quốc, tuy nhiên Thái Lan tỏ ra linh hoạt hơn trong việc thích ứng với tiêu chuẩn mới.
Giữa bối cảnh đó, một điểm đáng chú ý là Thái Lan lại bất ngờ gia tăng nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam, chiếm tới 26% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta trong quý đầu năm. Đây được xem là sự đảo chiều tạm thời về cung – cầu do yếu tố mùa vụ, tuy nhiên cũng gợi lên những dấu hỏi về chiến lược thị trường và nội lực sản xuất của ngành sầu Việt Nam.
Từ chuyện xuất khẩu, câu hỏi về tính bền vững trong chuỗi giá trị bắt đầu được đặt ra. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 20/5 đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường vào cuộc, sau phản ánh về tình trạng "loay hoay xử lý chất vàng O" trong chuỗi sản xuất – xuất khẩu sầu riêng.
HAGL và cuộc chơi sầu riêng giữa vòng xoáy thị trường
Không đứng ngoài làn sóng đầu tư nông nghiệp, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG) dưới sự điều hành của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã sớm đón đầu xu hướng với việc triển khai mô hình "hai cây, một con", trong đó sầu riêng là một trong những trụ cột chính.
Từ năm 2018, HAGL đã bắt đầu trồng sầu riêng và hiện có khoảng 2.000ha diện tích, chủ yếu tại các nông trường lớn ở Lào. Năm 2024, HAGL ghi nhận vụ bói sầu riêng đầu tiên với sản lượng khoảng 2.000 tấn, giá bán trung bình 100.000 đồng/kg – chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc – mang về doanh thu khoảng 200 tỷ đồng.
![]() |
Bầu Đức thăm nông trại sầu riêng tại Lào của HAGL |
Điểm khác biệt của HAGL nằm ở việc triển khai trồng sầu riêng trên quy mô lớn, bài bản, với chi phí đầu tư tương đối thấp – như bầu Đức chia sẻ chỉ từ 5.000–15.000 đồng/kg. Điều này giúp doanh nghiệp vẫn có thể duy trì lợi nhuận ngay cả khi giá bán xuống mức 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá sầu riêng tại Việt Nam giảm mạnh (nhiều loại sầu Ri6 xô, Thái xô chỉ còn gần 30.000 đồng/kg), biên lợi nhuận mảng này chắc chắn sẽ chịu sức ép.
Hơn nữa, với việc Trung Quốc – thị trường tiêu thụ chính – đang nâng cao hàng rào kỹ thuật, bài toán chất lượng và truy xuất nguồn gốc trở nên cấp thiết. Không loại trừ khả năng sầu riêng từ nông trường tại Lào của HAGL cũng sẽ chịu sự giám sát chặt hơn, đặc biệt nếu được vận chuyển qua Việt Nam để xuất khẩu.
Thích nghi là bài toán bắt buộc
Dù tuyên bố sẽ không mở rộng thêm diện tích trồng sầu, bầu Đức khẳng định vẫn theo đuổi mô hình "an toàn" trong nông nghiệp cho HAGL – nghĩa là chia nhỏ rủi ro, không đặt cược vào một loại cây trồng duy nhất. Quan điểm "hai cây, một con" vì thế cũng không phải là lựa chọn cố định, mà tùy biến theo thị trường.
Tuy nhiên, điều mà HAGL cần làm rõ lúc này là khả năng kiểm soát chất lượng, truy xuất vùng trồng và mở rộng kênh tiêu thụ nội địa. Nếu chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc – một thị trường ngày càng khắt khe – câu chuyện tăng trưởng có thể sẽ sớm gặp thách thức.
Khi giá rơi, đơn hàng thắt lại, mô hình sầu riêng của HAGL đang bước vào giai đoạn thử lửa. Và như cách bầu Đức từng nói - không làm tràn lan, nhưng đã làm thì phải bài bản và có lời - câu trả lời cho sức bền của sầu riêng HAGL có lẽ sẽ được kiểm chứng ngay trong năm nay.