Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ, cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Trong bối cảnh nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa thể hòa lưới điện, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết ông đã đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Công Thương liệu có vướng mắc về giá điện hay không, nếu vướng mắc sẽ phối hợp để xây dựng giá, giải tỏa các khó khăn về vốn cho doanh nghiệp khi đã vay ngân hàng để đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Công Thương trao đổi rằng “không phải vướng về giá, mà vướng về công suất, tức hiện nay chúng ta đủ tải rồi”.

Các dự án điện gió, điện mặt trời không vướng về giá, mà vướng về công suất

“Tôi có hỏi lại, nếu chúng ta đủ tải rồi thì tại sao cho làm. Còn nếu đã làm rồi thì tại sao không giảm bớt điện đã mua của nước ngoài?”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Trả lời ông Phớc, Bộ trưởng Công Thương cho biết đã ký hiệp định với nước ngoài rồi, bây giờ không thể đàm phán để cắt được. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng cần nhìn nhận vấn đề tận gốc để tìm giải pháp xử lý.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cũng cho biết cử tri băn khoăn khi nhiều dự án năng lượng tái tạo đã được cấp phép đầu tư, nhưng khi xây dựng xong lại không thể đấu nối, phát điện, trong khi đang đứng trước nguy cơ thiếu điện.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, trong khi ngành điện đang khó khăn về tài chính, thua lỗ thì việc đàm phán giá bán điện với các đơn vị sản xuất điện gió, điện mặt trời vẫn chưa ngã ngũ, vô hình chung đã tạo ra sự lãng phí vô cùng lớn.

Cũng nhấn mạnh đến sự lãng phí khi nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời chưa thể đấu nối, bán điện, đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng nếu vướng mắc vì thủ tục, thì thủ tục cũng do con người đặt ra. Theo đại biểu Minh, các dự án điện tái tạo không thể đấu nối, trong khi phải đi mua điện của Trung Quốc, Lào. Đại biểu đề nghị sớm làm rõ vấn đề này để tháo gỡ vướng mắc.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức (đoàn TP HCM) cũng cho rằng vướng mắc về cơ chế đang gây khó khăn cho nền kinh tế và việc các dự án năng lượng tái tạo không thể đấu nối, bán điện do vướng mắc về giá là một dẫn chứng.

Tính đến ngày 24/5, đã có 37/85 dự án năng lượng tái tạo chưa có giá bán gửi hồ sơ để phục vụ đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện. Với 48 dự án còn lại chưa gửi hồ sơ, Công ty Mua bán điện đã có văn bản đề nghị các chủ đầu tư tiếp tục gửi, cung cấp các hồ sơ tài liệu dự án phục vụ cho công tác đàm phán, thỏa thuận giá điện.

Qua quá trình rà soát hồ sơ, đàm phán và căn cứ Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 182, EVN nhận được đề nghị áp dụng giá tạm của 24 dự án...