Trước đây, để hạn chế sự gia tăng dân số địa phương, các thành phố lớn của Trung Quốc thường áp dụng hệ thống tính điểm, trong đó chính quyền cấp tư cách địa phương bằng cách đánh giá người nộp đơn theo nhiều tiêu chí khác nhau, từ thời gian lưu trú tại thành phố đến trình độ học vấn.

Hầu hết các thành phố hiện nay đã từ bỏ thông lệ này do sự cạnh tranh thu hút nhân tài ngày càng gay gắt và tỷ lệ sinh giảm. Tuy nhiên, hệ thống phân loại ở Bắc Kinh và Thượng Hải vẫn rất nghiêm ngặt.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, tính đến năm ngoái, hơn 66% dân số Trung Quốc sống ở khu vực thành thị nhưng chỉ có chưa đến 50% đăng ký hộ khẩu tại đó. Phó Giám đốc Cục Thống kê Quốc gia, bà Sheng Laiyun, cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng 4 rằng vẫn còn 297 triệu lao động nhập cư ở các thành phố chưa có quyền cư trú tại thành thị.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm, Trung Quốc đã xóa bỏ một số hạn chế trong hệ thống đăng ký hộ khẩu cứng nhắc của nước này, mở đường cho khả năng nới lỏng vấn đề di cư lao động. Trước thềm Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ ba tập trung vào kinh tế, hơn 20 thành phố ở Trung Quốc đã cho phép người dân từ bất kỳ khu vực nào thay đổi nơi cư trú chính thức của họ theo một chương trình được gọi là hộ khẩu ("hukou").

Theo đó, một số nơi áp dụng các ưu đãi đăng ký hộ khẩu đơn giản, cho phép tiếp cận giáo dục đô thị, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác, vốn toàn diện hơn so với những gì được cung cấp ở vùng nông thôn. Ngoại trừ tỉnh Hải Nam và 5 thành phố lớn – Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu và Thiên Tân – các trung tâm dân số khác trên đất liền đều đã thử nghiệm các ưu đãi tương tự, bao gồm cả những thành phố được coi là trung tâm mới nổi như Hàng Châu và Nam Kinh.

Việc đăng ký hộ khẩu ở Trung Quốc gắn liền với các chế độ phúc lợi xã hội và người di cư có thể thay đổi tình trạng của mình tại những địa phương này, miễn là họ mua nhà ở tại thành phố nơi sẽ đăng ký hộ khẩu.

Cải cách hộ khẩu: Lối thoát cho cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc?
Cải cách hệ thống đăng ký hộ khẩu có thể thúc đẩy di cư nội địa ở Trung Quốc

Khuyến khích người dân mua nhà

Theo công ty nghiên cứu bất động sản CREIS, chính sách mới này được đưa ra nhằm tạo động lực khuyến khích người dân mua nhà, giảm bớt số lượng nhà ở tồn kho hiện nay.

Chính sách hộ khẩu nghiêm ngặt trước đây hạn chế khả năng di chuyển của dân số và cũng phần nào là nguyên nhân gây ra khoảng cách lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn ở Trung Quốc.

Phá bỏ các rào cản do hệ thống tạo ra là một vấn đề đang nhận được nhiều sự chú ý. Ông Zhou Tianyong, Giáo sư tại Đại học Tài chính và Kinh tế Đông Bắc và là cựu nghiên cứu viên cao cấp của Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh, cho biết di cư tự do có thể thúc đẩy quá trình đô thị hóa, cải thiện hiệu quả trong nông nghiệp, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng và giúp Trung Quốc tiến gần hơn đến mục tiêu "thịnh vượng chung".

Zhang Dawei, nhà phân tích thị trường tại Centaline Property ở Bắc Kinh, cho biết các thành phố hạng nhất, "cốt lõi" của khu vực quốc gia, nên làm theo xu hướng chính sách này, khi các chính sách toàn quốc đang không thúc đẩy được thị trường bất động sản.

"Trong ngắn hạn, miễn là thị trường còn hoạt động, sẽ không có thêm chính sách nào được đưa ra. Nhưng khi thị trường lại đi xuống, các hạn chế mua hàng sẽ được nới lỏng hơn nữa và sẽ cần có các chính sách táo bạo hơn trong việc đăng ký hộ khẩu", ông nói trong một bài viết trên WeChat tuần trước.

Cải cách hộ khẩu: Lối thoát cho cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc?
Hàng triệu công nhân nhập cư của Trung Quốc có thể được hưởng lợi nếu cải cách đăng ký hộ khẩu cấp quốc gia được thực hiện trên toàn quốc. Nguồn: EPA - EFE

Việc cho phép người di cư dễ dàng đăng ký hộ khẩu tại các thành phố khác với nơi sinh sẽ giúp cải thiện an sinh xã hội, từ đó giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ giáo dục, y tế và các phúc lợi xã hội khác. Sự gia tăng di cư tự do cũng có thể làm giảm nguy cơ bất ổn xã hội do tập trung quá nhiều người thất nghiệp và thu nhập thấp ở các vùng nông thôn.

Với tầm nhìn này, các chuyên gia kỳ vọng chính sách “hukou” nới lỏng quy định đăng ký hộ khẩu và khuyến khích mua nhà sẽ giúp đẩy lùi khủng hoảng bất động sản bằng cách tăng nhu cầu mua nhà, từ đó giảm bớt số lượng nhà ở tồn kho.

Điều này không chỉ giúp thị trường bất động sản phục hồi mà còn tạo động lực phát triển kinh tế địa phương khi có thêm người chuyển đến và đầu tư vào các khu vực thành thị.